Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

TIÊM CHỦNG COVID-19, CÁCH NHANH NHẤT PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH HIỆU QUẢ

Vaccine phòng Covid-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa ký Quyết định số 335/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 giai đoạn năm 2021-2022. Kế hoạch xác định mục tiêu đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine. Để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam đã và đang tiếp cận nhiều nguồn cung vaccine Covid-19 qua nhiều kênh khác nhau, đến nay đã có 105 triệu liều vaccine được cam kết phân bổ cho Việt Nam, bao gồm 6 loại: AstraZenca, Sputnik V (Gam-Covid-Vac), Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna), Vero Cell Sinopharm và Covid-19 Vaccine Janssen đã được Bộ Y tế cấp phép, khẳng định đảm bảo an toàn và hiệu quả .
Theo Bộ Y tế, trong Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, việc cấp phép khẩn cấp một loại vaccine Covid-19 mang ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa vaccine bị bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc. Trên thực tế, các loại vaccine khi đưa vào sử dụng tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy trình thử nghiệm lâm sàng gồm 3 giai đoạn trên nguyên tắc đảm bảo được 3 yếu tố “An toàn - Sinh miễn dịch - Hiệu quả bảo vệ” và phải được công bố đầy đủ dữ liệu thử nghiệm để đánh giá trước khi được WHO và các quốc gia muốn sử dụng phê chuẩn. Bên cạnh đó, tất cả các loại vacine ngừa Covid-19 được Cục Y tế dự phòng thực hiện phối hợp Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Đây là cách làm khéo léo chống dịch hiệu quả vừa kiểm soát được độ an toàn vừa đảm bảo đưa vaccine ngừa Covid-19 an toàn nhất cho người dân nên mọi người có thể yên tâm tiêm chủng.
Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều dư luận tiêu cực, thông tin hoài nghi về hiệu quả cũng như độ an toàn của vaccine Vero Cell Sinopharm của Trung Quốc nên nhiều người có tâm lý e ngại không muốn tiêm vaccine hoặc tiêm nhưng yêu cầu những loại vaccine khác, điều này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến tiến độ tiêm chủng, mục tiêu miễn dịch cộng đồng mà Bộ Y tế đã đề ra cũng như hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo thông tin từ Phó viện trưởng Viện kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Tùng cho biết: vaccine Sinopharm đã được cấp số đăng ký lưu hành giống như các vaccine phòng Covid-19 khác trong trường hợp khẩn cấp và có điều kiện do Bộ Y tế Ban hành tại quyết định số 7929/QĐ-BYT ngày 08/7/2021. Theo đó, vaccine này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định và nằm trong hệ thống COVAX Facility nên việc kiểm định của Việt Nam cũng tuân thủ các quy định của WHO dành cho vaccine phòng Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp. Được biết, Vaccine Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institude of Biological Products Co., Ltd., - Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng. Riêng Việt Nam, tại TP.HCM đã tiếp nhận 1.000.000 liều do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021.
Theo thông tin đã công bố thì vaccine Sinopharm có kết quả hậu lâm sàng cho thấy hiệu quả bảo vệ lên đến 78.2% trong việc ngăn ngừa Covid-19, 79 % trong việc giảm tỷ lệ nhập viện khi mắc Covid-19 và các trường hợp không phải vào phòng chăm sóc đặt biệt . Do đó, có thể thẳng định vaccine này có hiệu quả nhưng không tuyệt đối trong ngăn ngừa Covid-19 sau khi tiêm. Điều đáng tiếc là thực tế này đúng với hiện trạng của tất cả các loại vaccine khác được phép sử dụng tại Việt Nam vì hiện nay chưa có bất kỳ quốc gia nào công bố vaccine của họ có khả năng bảo vệ 100% khi được tiêm chủng đầy đủ đặc biệt là tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều các biến chủng mới và dễ lây lan trong thời gian qua. Cũng như các loại vaccine khác, việc tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm vẫn phải chấp nhận một tỉ lệ biến chứng nhất định dù rất nhỏ sau khi tiêm như sưng đau chỗ tiêm, ho, sốt… thậm chí là tử vong sau khi tiêm. Tuy nhiên, vấn đề này xảy ra ở tất cả các quốc gia với tất cả các loại vaccine nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc không tiêm vaccine và tử vong do nhiễm virus Covid-19.
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước diễn ra ngày 02/8/2021 vừa qua khi nói về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh “Không lựa chọn vaccine, có vaccine nào tiêm vaccine đó. Tất cả vaccine Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, các nước đã sử dụng”. Điều này khẳng định độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine mà Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nan không riêng gì Vero Cell của Sinopharm hay các loại vaccine khác nên mọi người hãy yên tâm tiêm chủng. Việc phân biệt các loại vaccine chỉ làm cho dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát trong lúc tất cả chúng ta cần sự ổn định. Campuchia là một quốc gia điển hình cho hiệu quả của vaccine do Trung Quốc cung cấp với 19 triệu liều (6,2 triệu liều Sinopharm và 11,5 triệu liều Sinovac) trong thời gian qua và hiện nay số ca nhiễm mới trong ngày chỉ dưới 1.000 ca và đang có dấu hiệu giảm dần.
Có thể hiểu tâm lý của người dân trên thế giới trong đó có Việt Nam luôn bất an với chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian qua cũng như các sản phẩm của Trung Quốc sản xuất, do đó việc chấp nhận tiêm vaccine của Trung Quốc đối với một số người dân chưa thật sự dễ dàng. Tuy nhiên, sức khỏe, tính mạng của người dân rất quan trọng, chính vì vậy không một quốc gia nào lại đi phê chuẩn một loại vaccine trước khi có đầy đủ thông tin để đánh giá về loại vaccine đó vì cái giá phải trả đôi khi không chỉ nằm ở mặt y tế mà còn nằm ở vấn đề an ninh kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia đó.
Nguyễn An - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét