Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Việt Nam là âm mưu, thủ đoạn cố hữu của các thế lực thù địch, phản động, số có tư tưởng cực đoan chống Việt Nam nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, một trong số đó là Liên đoàn Khmer Kampuchia Krom (KKF). Số đối tượng trong tổ chức KKF đã cùng các tổ chức Khmer Kampuchia Krom (KKK) cực đoan tại Mỹ, Úc, Thái Lan, Campuchia... gia tăng móc nối, liên lạc, chỉ đạo số đối tượng cực đoan, quá khích trong nước tuyên truyền, cung cấp thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền của đồng bào dân tộc Khmer, vu cáo chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử với người Khmer, Phật giáo Nam tông Khmer, kích động tư tưởng thù hằn dân tộc, phá hoại chính sách đại đoàn kết; xuyên tạc Việt Nam “đồng hoá”, ngăn cản việc tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, xuyên tạc rằng tiếng Khmer không được giảng dạy, sử dụng trong hệ thống công lập, muốn học chữ Khmer thì phải vào chùa; vu cáo Việt Nam sử dụng công cụ pháp luật để đàn áp, hạn chế thực hành tôn giáo (như vụ việc tại chùa Cũ Đại Thọ, tỉnh Vĩnh Long)....
Quan điểm và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước trong suốt các thời kỳ lịch sử là tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và các quy định của pháp luật như: Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... và một số công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia ký kết. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã dành 01 chương (Chương II) để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng quan tâm, khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần thực hiện thông qua việc ban hành các văn bản như: Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chỉ thị 19- CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoan 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2024 và nhiều chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer, từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer ổn định cuộc sống.
Điều 5, Hiến pháp năm 2013 đã quy định "... các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình" và nhiều Nghị quyết, Văn kiện Đại hội đảng quy định về bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Về vấn đề giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, hiện nay, các trường dân tộc nội trú cấp II, III tại các tỉnh thành Tây Nam Bộ cho con, em người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Khmer) ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng khang trang, hiện đại, chương trình đào tạo tiếng Khmer được biên soạn, đưa vào giảng dạy với chất lượng đảm bảo, học sinh dân tộc được hỗ trợ tiền, vật dụng trong sinh hoạt, học tập. Ngoài ra, các ban ngành chức năng tại các địa phương còn phối hợp với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, Paly cho con, em người Khmer; có chế độ hỗ trợ cho các tăng sinh theo học tại trường Trung cấp Paly tại Sóc Trăng, Trà Vinh. Hàng năm có hàng trăm sinh viên Khmer các tỉnh, thành được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển và sau khi tốt nghiệp được tạo điều kiện bố trí công tác tại địa phương... Đây là minh chứng rõ ràng để vạch trần các luận điệu xuyên tạc của Liên đoàn Khmer Kampuchia Krom, các tổ chức Khmer Kampuchia Krom cho rằng chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền. Mặt khác, thời gian gần đây một số người dân tộc Khmer bị khởi tố, bắt giam, xử lý là do những người này đã vi phạm pháp luật, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn ngoan cố thực hiện các hành vi vi phạm cho nên việc khởi tố, bắt giam là cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo việc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật , không có việc chính quyền Việt Nam sử dụng công cụ pháp luật để đàn áp người Khmer.
Các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam là một khối thống nhất, đồng bào dân tộc Khmer là một phần không thể tách rời trong cộng đồng 54 dân tộc anh em là điều không bàn cãi. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các phần mềm, trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Do vậy mọi người dân cần tỉnh táo nhìn nhận, đánh giá toàn diện mọi khía cạnh, nhất là các nguồn thông tin trên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu tác động, thao túng tâm lý, dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh trật tự… khi đó sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Minh
Châu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét