Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Đảng và hoạt động lãnh đạo của Đảng, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng và cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, học tập lý luận chính trị, trong thời gian qua cấp úy các cấp luôn đề cao công tác học tập, giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc định hướng, triển khai công tác tuyên truyền về lý luận chính trị; việc tổ chức triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác giáo dục chính trị của Đảng; việc thực hiện bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên cũng như công tác quản lý học viên tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị; đưa việc học tập lý luận chính trị trở thành nền nếp, thường xuyên, liên tục và ngày càng chất lượng; qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm cò tồn tại trong quá trình cập nhật, bồi dưỡng, đạo tạo lý luận chhính trị cho cán bộ đảng viên. Bên cạnh các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép thêm các nội dung giáo dục lý luận chính trị để cũng cố bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong làm việc khoa học, linh động cho đội ngũ cán bộ dảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là những đồng chí cán bộ trẻ.
Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ đảng viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị; thường xuyên rà soát trình độ lý luận chính trị nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trên cơ sở đó tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện thực hiện công tác cán bộ theo quy định.
Thông qua các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, cán bộ, đảng viên được nâng cao về nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật. Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu biên soạn tổng kết lịch sử, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với nhiều hình thức, phương thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hằng năm, các cấp ủy xây dựng hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm và tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, tổ chức các hoạt động mít tinh, tọa đàm kỷ niệm, đồng thời tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu truyền thống lịch sử để cán bộ đảng viên tham gia.
Quá trình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, những cán bộ, đảng viên được chọn tham gia đã có sự chuyển biến đáng kể trên tất cả các mặt: Về nhận thức, về trình độ, phát huy được nhân tố tích cực trong công tác chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Việc học tập lý luận chính trị luôn đảm bảo các quy định về thời lượng và dung lượng, cân đối hợp lý giữa việc học tập lý luận chính trị và thực hiện công tác chuyên môn. Trong quá trình học tập, cán bộ đảng viên không những tiếp thu các kiến thức mà còn tham gia thảo luận, đóng góp các ý kiến thiết thực, hiệu quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị.
Tuy nhiên, thực tế là trong những năm qua, vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ về vai trò của lý luận, lý luận chính trị và yêu cầu cần thiết phải học tập lý luận chính trị mà thường tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng, học tập về chuyên môn; thậm chí có nhiều người chỉ chú trọng bằng cấp chuyên môn, còn xin nợ việc học tập lý luận chính trị, nợ “bằng cao cấp lý luận chính trị” khi bổ nhiệm. Có người, khi đi học, thì “đánh trống ghi tên”, vừa học vừa tham gia giải quyết các công việc khác hoặc đến điểm danh rồi về nghỉ giữa chừng; học không nghiêm túc, học kiểu đối phó…
Theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và lý luận chính trị, lười học lý luận chính trị chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Chính sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng; thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất và sự lôi kéo của các thế lực phản động.
Để góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị cho lực lượng cán bộ đảng viên giai đoạn hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
- Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò của việc học tập lý luận chính trị. Cần tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên... đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, chiếu lệ, xem nhẹ việc học lý luận chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CBCS về học tập, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo lý luận chính trị bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
- Thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng lĩnh vực công tác”. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc.
- Phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị theo phương châm “học đi đôi với hành”. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đảng viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị.
- Làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên. Sau mỗi đợt học tập, cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, gắn với nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu học tập, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng, cần nghiêm túc làm tốt công tác đánh giá theo hướng thực chất./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét