Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

CHIÊU TRÒ HOẠT ĐỘNG TRÁ HÌNH CỦA TÀ ĐẠO “THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ”

Tà đạo “Thanh Hải Vô Thượng Sư” còn có tên gọi khác là (“Đạo tràng Tây Hồ”, “Hội thiền định Suma Ching Hai”, “Hội thiền định quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư”, “Hội quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư”, “Hội quốc tế thánh thiện Thanh Hải Vô Thượng Sư”). Người tự nhận mình là minh sư, là giáo chủ của “Thanh Hải Vô Thượng Sư” có tên thật là Đặng Thị Trinh, tên gọi khác là Nguyễn Thị Thanh Hải, sinh năm năm 1950 tại thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Khi còn ở Việt Nam Đặng Thị Trinh có thời gian sống tại Sài Gòn đến năm 1966 thì đi du học tại Anh, tốt nghiệp bằng Master văn chương. Năm 1972 sang Pháp nghiên cứu triết học. Giai đoạn từ năm 1975 đến 1980 đến nhiều trại tị nạn người Việt Nam trên khắp thế giới. Năm 1980 sang Ấn Độ tu hành. Năm 1989, đến Đài Loan lập ra “Thanh Hải Vô Thượng Sư” tại vùng núi Bạch Hoa, Tây Hồ Thượng, huyện Miaoli (cách Đài Bắc 30km về phía tây) tự phong cho mình là “Minh sư”.
Tín đồ theo tổ chức “Thanh Hải vô thượng sư” được gọi là các “đồng tu”, để trở thành “đồng tu” số này phải đảm bảo một số điều kiện như: ăn chay trường, có hiểu biết về “Thanh Hải vô thượng sư” và nghe theo những chỉ bảo của sư phụ Thanh Hải (ngồi thiền, không sát sinh…), có lý lịch cá nhân nộp cho “liên lạc viên” và gửi về Thanh Hải duyệt quyết định việc tiếp nhận. Sau khi được tiếp nhận, số này phải đến “thiền đường” hoặc các điểm “cộng tu” để làm lễ “thọ pháp’, “truyền tâm ấn” (gọi tắt là lễ “thọ tâm ấn”), lễ “thọ tâm ấn” do “sứ giả” chủ trì thực hiện. Khi được “thọ tâm ấn’ đã trở thành các “đồng tu”, số này được hướng dẫn cụ thể cách ngồi thiền, giới thiệu về giới luật, được phát quyển sách để ghi nhật ký quá trình tu hành, được cấp 1 thẻ “hội viên” màu vàng, phía trước có in hình và chữ Thanh Hải, có các cột mục: họ tên, năm sinh, ngày vào hội, mặt sau ghi 5 câu giới luật. Các tín đồ của “Thanh Hải vô thượng sư” phải giữ “trường chay”, giữ “ngũ giới cấm”, từ bỏ việc thờ cúng ông bà, tổ tiên theo truyền thống, không được để tang người đã chết mà thay vào đó là thờ hình ảnh của Thanh Hải…
Với giáo lý mê tín, pha tạp của nhiều tôn giáo, “Thanh Hải vô thượng sư” đang tích cực lôi kéo người xuất cảnh tham gia các hoạt động ở nước ngoài, đồng thời tăng cường tuyển chọn, phát triển đội ngũ cốt cán ở trong nước từ những Việt kiều về nước thăm thân nhân, giới văn nghệ sĩ, doanh nhân, tìm cách tiếp cận công chức, viên chức các cấp, giới truyền thông, chức sắc, chức việc một số tổ chức tôn giáo, sinh viên,... để giới thiệu, quảng bá, vận động ủng hộ cho tổ chức. Tại Việt Nam, “Thanh Hải vô thượng sư” là tổ chức không giáo lý chính thống, không được công nhận về mặt pháp lý hay nói cách khác không được chính quyền cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo… Tuy nhiên, tổ chức này vẫn cố tình thực hiện các hoạt động tuyên truyền trái pháp luật, lôi kéo người tham gia nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội và chống phá Nhà nước.
Gần đây, Thanh Hải vô thượng sư hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức: Thông qua hoạt động từ thiện xã hội nhằm quảng bá, khuếch trương hoạt động; vận động, lôi kéo người tham dự “bế quan”, truyền “tâm ấn”, dự lễ tết, ngày kỷ niệm liên quan “Thanh Hải vô thượng sư”; sử dụng truyền hình vệ tinh, các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) cung cấp trao đổi thông tin về “Thanh Hải vô thượng sư”; tổ chức và lợi dụng các sự kiện văn hóa, các vấn đề mang tính thời sự (môi trường, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...) để lôi kéo người tham gia; tập trung lôi kéo, tận dụng những người có vị trí, tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội như văn nghệ sĩ, giáo viên, hưu trí… để củng cố, phát triển lực lượng. Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh Covid-19 để liên hệ với chính quyền, Hội chữ thập đỏ một số địa phương để tài trợ, lồng ghép nội dung tuyên truyền, đề nghị được quay phim, chụp ảnh, tặng “Bằng tri ân”, “Thư cảm ơn”... Tổ chức này còn có một trang web riêng (SupremeMasterTV.com) là Truyền hình vô thượng sư-kênh truyền hình mang tính xây dựng cho một thế giới hòa bình.
Ở Việt Nam, nguồn tài chính thu nhập chủ yếu là buôn bán vật phẩm như băng đĩa, sách báo, quà lưu niệm, trang sức, quần áo, vật dụng cá nhân được cho rằng có lực lượng gia trì của Thiên Đàng trong ấy. Mỗi vật phẩm đều được quy ra điểm, gọi là điểm tâm linh tùy theo giá niêm yết (giá niêm yết thường cao hơn rất nhiều so với giá trị vật chất). Từ việc thu nhập nguồn tài chính to lớn, Thanh Hải xây dựng hệ thống truyền hình vệ tinh internet. Có cả hệ thống sản xuất thực phẩm chay mang sắc thái truyền đạo (hệ thống nhà hàng chay Loving Hut), khuyến khích ăn chay. Quay phim, ca nhạc, ngâm thơ, họp mặt, giao lưu khắp thế giới. Thường tổ chức các cuộc tập trung cộng tu ngôi thiền như tại Pháp, Thái Lan, Đài Loan với quy mô lớn và tốn kém. Với mục đích lừa đảo và trục lợi về kinh tế, hiện tượng “Thanh Hải vô thượng sư” đã lôi kéo và tổ chức nhiều buổi thuyết giảng ở nước ngoài, kêu gọi người tin theo đóng góp để tham gia các buổi nói chuyện được Đặng Thị Trinh tổ chức.
Hiện tại, tổ chức này có số lượng tham gia không lớn, chủ yếu là phụ nữ, tuổi từ trung niên trở lên, một số trường hợp có tuổi đời trẻ hoặc những người có vấn đề tâm lý, bệnh tật, tư tưởng trong cuộc sống bị lôi kéo tham gia. Thành phần tin theo “Thanh Hải vô thượng sư” chia thành hai bộ phận. Giai đoạn đầu là những người dân tị nạn ở các quốc gia. Giai đoạn sau mở rộng tới nhiều thành phần như nông dân, trí thức và những người có điều kiện về kinh tế. Hệ thống tổ chức của “Thanh Hải vô thượng sư” khá chặt chẽ, Đặng Thị Trinh xây dựng được hệ thống chân rết khá tin cậy hoạt động ở các quốc gia, biểu hiện qua việc xây dựng hệ thống nhà hàng chay hoạt động kín đáo và theo chỉ đạo từ xa của Đặng Thị Trinh. Nhìn chung, thông qua nhiều hình thức như mở hệ thống nhà hàng chay, hoạt động kinh doanh buôn bán, từ thiện hay các buổi lễ thuyết giảng, ngoài việc mở rộng địa bàn, phô trương danh tiếng để trục lợi về kinh tế “Thanh Hải vô thượng sư” còn có một số biểu hiện của yếu tố cực đoan, phản động, mang màu sắc chính trị.
Việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng xâm phạm quyền và lợi ích Nhà nước hay lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, mỗi người dân chúng ta phải hết sức cảnh giác, thận trọng tránh để bị lôi kéo, nghe theo luận điệu tuyên truyền của tà đạo điển hình là “Thanh Hải vô thượng sư”.
N.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét