Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chức sắc, tín đồ chân chính tu hành đúng giáo lý, giáo luật; còn có một số phần tử lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi đi ngược với giáo lý của tôn giáo và đạo lý của dân tộc Việt Nam, trái với quy định của pháp luật. Hành vi của số người này đã làm mất thanh danh của tôn giáo, gây bức xúc trong xã hội.
Từ góc độ khái quát nhất, tín ngưỡng, tôn giáo là hệ thống những niềm tin và thực hành tinh thần của các cá nhân và cộng đồng người liên quan đến những gì được xem là thiêng liêng hay cấm kỵ trong cuộc sống. Xuất hiện từ thuở hồng hoang của nhân loại, tín ngưỡng, tôn giáo dần trở thành phổ biến, và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dần được thừa nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước đều quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xem đó là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Ngay từ buổi đầu thành lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương và đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Nguyên tắc đó đã trở thành chính sách nhất quán xuyên suốt qua mọi thời kỳ của Cách mạng Việt Nam. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, quan điểm, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, phát triển, đánh dấu bằng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo cũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam: “…thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”,…
Bên canh đó, tiếp nối sự phát triển về nhận thức trong đó nhìn nhận tôn giáo từ góc độ giá trị đạo đức, văn hóa, trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận tôn giáo như là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Đây có thể xem là một bước đột phá về tư duy của Đảng và Nhà nước trên con đường đổi mới nhận thức về tôn giáo trong bối cảnh mới.
Để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước cũng như hành lanh pháp lý bảo đảm, hiện thực hóa quyền tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (Hiến pháp năm 1946) và sau đó tiếp tục được khẳng định và cụ thể hóa trong các Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã xác định các nguyên tắc cụ thể gồm: các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi và để xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội’ xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Mặc dù, đã có một khuôn khổ pháp luật khá toàn diện, tuy vậy, những ngày qua các sai phạm, nghi vấn liên quan đến vụ việc về những hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại nơi tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai"hay còn gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ” - một địa điểm tâm linh tự xưng đã làm xôn xao dư luận trong thời gian qua. Những câu chuyện về những nhà sư “thích sống ảo” của “Tịnh thất Bồng Lai”đã gây nên sự chú ý của cộng đồng dư luận cả nước trong thời gian qua. Từ việc năm chú tiểu nổi đình nổi đám khi tham gia Game Show “Thách thức danh hài” khiến những người đứng đầu của Tịnh thất này mà điển hình là ông “trụ trì”Lê Tùng Vân nuôi mộng “nổi tiếng” để có thời cơ “kinh doanh tín ngưỡng”. Thay vì làm những làm những việc mà người tu hành phải thực hiện để đúng với phương châm “Sống tốt đời- đẹp đạo”thì những người nơi đây hoạt động chẳng khác nào những người trong giới Showbiz với đủ chiêu trò PR (quảng bá) cho 5 chú tiểu, cho đệ tử của mình đi thi hát ... lợi dụng truyền thông, mạng xã hội đánh bóng tên tuổi của mình. Người ta nói, càng nổi tiếng thì càng có nhiều người quan tâm, vì quan tâm nên người ta mới đi tìm hiểu xem Tịnh thất Bồng Lai “đình đám” này đã và đang “làm ăn” như thế nào? Sự việc vỡ lẽ khi có người phát hiện ra hàng loạt những sai phạm pháp luật, vi phạm Luật Tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính, công kích, xuyên tạc giáo lý Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của Tịnh thất Bồng Lai.
Trước sự vào cuộc của nhiều cơ quan báo chí thông tin về việc cơ sở này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo, lợi dụng nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai”, những người đứng đầu của “Tịnh thất Bồng Lai” không những bất hợp tác mà còn có hành vi chống đối, thậm chí là thách thức. Họ lấy “sự nổi tiếng” của mình, sử dụng mạng xã hội làm công cụ, làm tấm lá chắn, thậm chí còn mượn tay người khác chính là các Fans hâm mộ để đòi kiện ngược, tẩy chay các nhà đài đã cả gan dám động đến họ.
Tuy nhiên những “gã đầu trọc” này đã phải “cúi đầu” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng sau khi cơ quan chuyên môn vào cuộc. Với sự bài bản, chuyên nghiệp đã làm sáng tỏ “bức màn” mang tên “Tịnh thất Bồng Lai”. Tiểu sử lam lũ, khởi nghiệp, thành công, thất bại và lại khởi nghiệp lại của ông Lê Thành Vân được đề cập chi tiết, rõ ràng trước những chứng cớ xác thực, ông Vân và các “thích nổi tiếng” ở đây đã phải “im mồm” và chỉ biết cúi đầu.
Mặc dù, thời gian qua không chỉ tại “Tịnh thất bồng lai” mà còn cả một số nơi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân, một số cơ sở tâm linh, thờ tự đã sử dụng tôn giáo như bình phong để “buôn thần, bán thánh” mặc sức kiếm lời bằng các hình thức như “dâng sao giải hạn” vào mỗi dịp đầu năm, nhét tiền vào tay tượng ở các miếu mạo, chùa chiền, lợi dụng danh nghĩa cơ sở thờ tự,… thực sự trở thành một nỗi lo của toàn xã hội. Vì khi mà con người không suy nghĩ sáng tạo, không chăm chỉ lao động, không làm việc lương thiện mà chỉ vay mượn, cầu xin sự may mắn từ “thế giới siêu nhiên” thì cũng là khi họ phải đối mặt nhiều hệ lụy từ chính cuộc sống.
Trở lại với vụ việc “Tịnh thất bồng lai” cho thấy thực trạng lợi dụng hoạt động tôn giáo, núp bóng cô nhi viện của những “lão sư hổ mang” lợi dụng trục lời từ những người nhẹ dạ cả tin khi chưa xác thực được nội dung sự việc diễn ra. Các sai phạm ở “Tịnh thất bồng lai” đã được cơ quan chức năng điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, một số người có hành vi làm sai như trên thật sự là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhìn tổng thể thì nhiều năm vừa qua, tín đồ, chức sắc chân chính của các tôn giáo ở Việt Nam đã, đang không ngừng đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyên góp hàng nghìn tỷ đồng xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua các phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu là tăng ni, phật tử có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý.
Các vị cá nhân, tổ chức làm điều sai trái cần cảm thấy hổ thẹn với những tấm gương chức sắc, tín đồ chân chính đang ngày đêm nỗ lực thực hành giáo lý, giáo luật, đóng góp công sức, tiền của nhằm xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, phồn vinh hơn.
Một lần nữa, xin khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để lừa đảo, mua chuộc, dụ dỗ, xâm hại đến quyền và lợi ích của công dân, gây ảnh hưởng đến TTATXH. Thực hành tôn giáo đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Mỗi tín đồ tôn giáo cũng đồng thời là công dân Việt Nam, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật, không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, TTATXH, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân hay lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục lợi phi pháp, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, trái giáo lý. Chắc chắn những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phi tôn giáo, làm ô danh tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật. Vì vậy, mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật; đó cũng là phương cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ xã hội và chính là bảo vệ các tôn giáo chân chính đang hoạt động bình thường trên đất nước Việt Nam./.
P.T.K
0 nhận xét:
Đăng nhận xét