Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ BẦU CỬ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Thời gian gần đây, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã đăng tải nhiều video, bài viết, hình ảnh, thậm chí phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội với mục đích kêu gọi người dân không tham gia bầu cử hoặc vận động ủng hộ một số trường hợp cơ hội chính trị “tự ứng cử” đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Đồng thời, ra sức đưa những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam và kích động người dân “tẩy chay”, phá hoại công tác chuẩn bị cuộc bầu cử, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho nhiều người hiểu sai các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có hàng nghìn trang mạng xã hội phản động thường xuyên đưa tin xuyên tạc các quan điểm, tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng thường xuyên đăng tải các thông tin không chính xác, tập trung công kích, phủ định quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng, những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với âm mưu tạo ra “khoảng trống tư tưởng” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Các phần tử chống phá xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Chúng thực hiện chiêu trò xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ. Chúng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, với chiêu bài bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ là hình thức, tạo cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng, vu khống, công kích cuộc bầu cử của Việt Nam. Một số tổ chức phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sử dụng các tài khoản facebook, blog cá nhân phản động, mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật, lợi dụng công tác cán bộ của Đảng, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng tăng cường thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng và sự nghiệp đổi mới của nước ta. Chúng lợi dụng những sự kiện chính trị; các vấn đề nảy sinh trong giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư; việc thực hiện các dự án; một số vụ tiêu cực của cán bộ, đảng viên... để xuyên tạc, vận động, công kích chống đối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh. Có thể nói, việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác nhân sự được thực hiện theo đúng các quy trình, quy định, bài bản và chặt chẽ.
Để kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, trước hết, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đó, nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, công kích, chống phá của các thế lực thù địch về cuộc bầu cử. Các cấp, các ngành, địa phương, nhất là cấp ủy cơ sở nắm chắc diễn biến tư tưởng của quần chúng nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. Các cơ quan chức năng nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện các hoạt động chống phá cuộc bầu cử để đấu tranh vô hiệu hóa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường quản lý và kịp thời cảnh báo thông tin xấu, nguy hại trên không gian mạng để cán bộ, đảng viên và nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Đặc biệt đối với mỗi người dân chúng ta cần hết sức thận trọng, nâng cao nhận thức trước luồng thông tin đa dạng trên mạng xã hội như hiện nay. Trước những thông tin trái chiều, cần kiểm tra lại độ chính xác, không nên tin ngay mà có những hành động bộc phát gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nên truy cập vào các trang mạng chính thống, có uy tín để đọc, tìm kiếm thông tin như các trang: chinhphu.vn; quochoi.vn;… để kịp thời cập nhật kiến thức và thông tin cần thiết về bấu cử. Trường hợp, chúng ta bắt gặp, phát hiện các thông tin “xấu”, “độc”, bôi nhọ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần báo ngay cho lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
N.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét