Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÂM PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRÊN LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Trong những năm qua, các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực công nghệ thông tin (hay gọi tội phạm sử dụng công nghệ cao) diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng và bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây nguy hiểm và diễn ra với quy mô lớn thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt. Thời gian gần đây, chủ yếu là các hành vi xâm phạm chủ sở hữu, trật tự quản lý kinh tế và trật tự, an toàn xã hội như đánh bạc qua mạng, trộm cắp, mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, kinh doanh trái phép và trốn thuế, tán phát phần mềm độc hại, thông tin trái phép và tấn công xâm phạm trái phép máy tính, mạng máy tính.
Các hành vi này xảy ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế - xã hội nhất là trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, trò chơi điện tử và giải trí trực tuyến, đây được xem là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và đang lan ra các tỉnh, thành phố khác Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên... Ban đầu, đối tượng phạm tội chỉ có một số ít người nước ngoài hoặc Việt kiều nhưng đến nay, loại tội phạm này đã mở rộng đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh… Chúng thường tập hợp, liên kết với nhau thông qua các diễn đàn trên mạng internet (còn gọi là underground hay thế giới ngầm) để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2016 đến năm 2018, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố điều tra hàng trăm vụ bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng về số vụ với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Cụ thể, gần đây nổi lên các tội phạm công nghệ cao dưới hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn:
- Mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đến nạn nhân thông báo có liên quan đến vụ án và yêu cầu cung cấp thông tin hỗ trợ điều tra như thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP, mã pin… để đánh cắp thông tin hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để phục vụ điều tra, chạy án.
- Lừa đảo gửi quà có giá trị (vật phẩm hoặc tiền) từ nước ngoài về Việt Nam sau đó yêu cầu nạn nhân thanh toán tiền phí vận chuyển để nhận quà hoặc lợi dụng uy tín của các công ty điện máy xanh, thế giới di động, Ngân hàng hoặc các Công ty lớn… thông báo đến nạn nhân đã may mắn trúng thưởng phần quà có giá trị (như tiền mặt vài trăm triệu hoặc giá vé du lịch vài chục triệu…) trong chương trình quay số của công ty, sau đó yêu cầu nạn cung cấp mã OTP hoặc đóng thuế trước khi nhận quà. Giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại… nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Giả mạo Cán bộ Ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của Ngân hàng. Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM…
- Sử dụng phần mềm Công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan Công an để thực hiện các cuộc gọi đến nạn nhân khi đó số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại nạn nhân các số giống với số Trực ban Công an,… Sau đó tự xưng Cán bộ Công an đe dọa, tống tiền nạn nhân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028,… phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.
- Tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.
CÁCH NHẬN BIẾT PHÒNG NGỪA TRÁNH KHÔNG BỊ “SẬP BẨY” CÁC ĐỐI TƯỢNG LỪA ĐẢO:
Thứ nhất, đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Theo quy định của pháp luật, khi làm việc với người dân thì các cơ quan Nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thuế, Hải quan...), các công ty, doanh nghiệp đều có giấy giới thiệu, giấy mời hoặc trực tiếp gặp mặt tại các trụ sở cơ quan để trao đổi công việc, không làm việc online qua mạng. Do đó, tất cả các cuộc điện thoại tự nhận là cơ quan chức năng đang điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc; hải quan, thuế thông báo có quà tặng hoặc doanh nghiệp thông báo trúng thưởng... rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản đều có nguy cơ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản Ngân hàng, ví điện tử, mã OTP… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua cuộc gọi khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó hoặc các đường link gửi bằng email/tin nhắn, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Nếu người thân, bạn bè nhắn tin vay mượn tiền qua các mạng xã hội thì gọi điện thoại trực tiếp cho người đó để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Ngày nay, tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao có chiều hướng dịch chuyển mạnh địa bàn hoạt động sang Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, khu du lịch. Tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng. Xuất hiện nhiều đường dây mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, ma túy và các thiết bị nghe lén, định vị ngụy trang trên internet.
P.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét