Hàng năm, người lao động trên toàn thế giới nói chung và người lao động tỉnh Long An nói riêng cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đây là ngày mà mọi người ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi không phải làm việc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được lịch sử cũng như ý nghĩa trọng đại của ngày Quốc tế Lao động, nhất là đối với các bạn trẻ hiện nay.
Ngày 01/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Công nhân ở một số nước như: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới.
Ngày 18/02/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của Việt Nam. Ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Vì vậy, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của mình, từ đấu tranh giành độc lập dân tộc cho đến giai đoạn đổi mới, dựng xây đất nước, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân.
Năm 2021, tỉnh Long An là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hành động linh hoạt, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế, nhất là tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ. Kết quả, đã có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) chỉ đạt 1,02% (kế hoạch đề ra từ 9-9,5%) là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng GRDP bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm, tăng 4% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 118,7% dự toán Trung ương giao… Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội cho người dân, nhất là người lao động, với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch.
Bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp…, tỉnh Long An từng bước kiểm soát được dịch bệnh và duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
Để phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, Đảng và chính quyền Long An cần làm tốt hơn nữa để góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, hồi phục nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, chủ động trong đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh trong thời gian qua, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Long An vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”./.
Q.V
0 nhận xét:
Đăng nhận xét