Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Xử lý nghiêm theo pháp luật tình trạnglợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật

Thời gian qua, Công an các tỉnh thành trong cả nước đã bắt, xử lý nhiều trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, thậm chí là Trưởng văn phòng đại diện của một số tờ báo, tạp chí,…trong quá trình tác nghiệp đã lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật nhưng tình trạng trên vẫn còn tái diễn, đặc biệt thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, biến tướng dưới nhiều hình thức phức tạp.
Tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như: gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đứng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin. Đáng chú ý, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe doạ để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.
Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ sự suy thoái, yếu kém về đạo đức, sự buông lỏng quản lý, giáo dục của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí thiếu kiểm soát để một bộ phận phóng viên, cộng tác viên không thực chất hoạt động nghiệp vụ, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi. Một nguyên nhân không nhỏ là một số lãnh đạo cơ quan báo chí tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao chỉ tiêu, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; từ đó làm ngơ, dung túng để những việc làm nhũng nhiễu nêu trên diễn ra.
Để tình trạng như trên không còn tái diễn, trong thời gian tới đòi hỏi cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, tập trung vào các hành vi cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi người đứng đấu cơ quan báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép của cơ quan đang công tác. Đối với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì chuyển cơ quan điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cần tăng cường hơn nữa công tác cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật.
Thứ hai, kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.
Thứ ba, các tổ chức cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu thì cần lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng của địa phương xử lý nghiêm theo quy định.
Thứ tư, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về báo chí tại địa phương; thực hiện trách nhiệm quản lý, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn theo quy định; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả đối với hoạt động của các cơ quan báo chí của Trung ương.
Thứ năm, tập trung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Nâng cao trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí.
Thứ sáu, chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Không chạy theo chỉ tiêu, áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trực thuộc trái với quy định pháp luật.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thông tin và công tác quản lý nhà báo, phóng viên, cộng tác viên. Nội dung yêu cầu cung cấp thông tin phải phù hợp với tôn chỉ, mục địch ghi trong giấy phép. Tuyệt đối không cấp giấy giới thiệu cho người không phải phóng viên cơ quan báo chí, không cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên.
T.K

1 nhận xét: