Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Việt Nam trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Nhiệm Kỳ 2023 - 2025

Ngày 11/10/2022 vừa qua, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nhận được 145/189 phiếu tán thành, chiếm gần 80% và thuộc nhóm nhận được sự ủng hộ cao nhất. Sự kiện này đã ghi thêm một dấu ấn, một thắng lợi mới trên lĩnh vực ngoại giao, đồng thời cũng khẳng định được uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016 (với số phiếu 184/192 tán thành).
Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên (có nhiệm kỳ 3 năm) là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép. Việt Nam chúng ta được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại. Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của LHQ cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.
Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên Hiệp Quốc.
Với vai trò là thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam ngày càng củng cố thêm uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế, cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo trong tư duy chiến lược cũng như tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây. Điều này cũng lan toả và truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh con người, đất nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo, đồng thời giúp truyền tải chính xác, đúng đắn hơn về chủ trương, chính sách và thành tựu trong đảm bảo quyền con người ở nước ta. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao./.
N.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét