Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Đấu tranh với tội phạm tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và phòng ngừa tội phạm mua bán người

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sau khi tình hình đại dịch Covid-19 bao phủ toàn cầu, hàng triệu người chết, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, nạn thất nghiệp kéo dài. Tuy với những biện pháp phòng chống dịch đạt được nhiều hiệu quả vượt bậc, nhưng đất nước Việt Nam của chúng ta cũng không ngoại lệ, tỷ lệ người lao động thất nghiệp tăng cao trong và sau đại dịch. Lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng xấu trong và ngoài nước đã sử dụng triệt để mạng xã hội để quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” từ 1000 – 2000 USD (tức từ 25 – 50 triệu đồng) một tháng tại các Công ty Casino phát hành game đánh bạc online có trụ sở trên lãnh thổ Vương quốc Campuchia, nằm dọc theo các tuyến biên giới, cửa khẩu Việt Nam – Campuchia. Với tâm lý thích làm giàu nhanh chóng, cộng với đời sống khó khăn sau đại dịch, người lao động trong nước không ngần ngại liên hệ tìm hiểu, được các đối tượng tư vấn nhiệt tình, được hướng dẫn, hứa hẹn tiền lương khởi điểm hấp dẫn, cam kết lo hết chi phí xuất cảnh sang Campuchia không cần thủ tục hộ chiếu phức tạp và cuối cùng họ rơi vào bẫy “bóc lột việc làm” được giăng sẵn mà không hề có một sự bảo hộ nào của Nhà nước Việt Nam về việc hợp tác lao động tại nước ngoài. Các đối tượng ở nước ngoài lợi dụng tuyến biên giới giữa Việt Nam – Campuchia trên địa bàn tỉnh Long An trải dài gần 140km, nhiều đường mòn lối mở, lực lượng kiểm soát còn ít, địa hình đồng bằng dễ di chuyển… và liên lạc với số người thường xuyên qua lại, xuất cảnh sang Campuchia làm ăn, mua bán, tham quan, du lịch, đặc biệt là số người đi đánh bạc tại các Casino để lôi kéo, dụ dỗ bằng lợi ích vật chất nhằm đề nghị tổ chức cho số người lao động xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia. Do thiếu hiểu biết về pháp luật hình sự và lợi ích vật chất trước mắt, những người này dễ dàng nhận lời để tham gia tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, sa vào con đường phạm tội.
Thực tế cho thấy, từ tháng 6 năm 2022 đến nay trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia đã xảy ra 03 vụ việc người Việt Nam lao động tại các Công ty, Casino ở Campuchia phải bỏ trốn, tháo chạy nhập cảnh trái phép về Việt Nam vì bị bóc lột sức lao động, trong đó tại khu vực biên giới thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang là hơn 40 người vượt sông từ Campuchia nhập cảnh trái phép về Việt Nam; tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài là hơn 70 người tháo chạy khỏi các Casino thuộc thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia nhập cảnh trái phép về Việt Nam; tại khu vực Cửa khẩu Mỹ Quý Tây là hơn 30 người nhập cảnh trái phép từ huyện Chanthrea, tỉnh Svay Rieng, Campuchia về Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Long An, từ tháng 7 năm 2022 đến nay Cơ quan An ninh điều tra đã phối hợp Bội đội Biên phòng tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương điều tra làm rõ, khởi tố 05 vụ án, 06 bị can về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” xảy ra chủ yếu tại Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An; đã phát hiện, ngặn chặn và xử lý vi phạm hành chính đối với 14 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Qua điều tra, các đối tượng chủ yếu sang Campuchia để tìm việc làm, tuy chưa phát hiện hành vi mua bán người nhưng hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ, điều kiện để tiếp tay cho các đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm buôn người, mua bán nội tạng cơ thể người xuyên quốc gia.
Đây là hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền tự do cá nhân, tự do thân thể của người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và quan hệ đối ngoại của Việt Nam-Campuchia, do đó cần có sự chung tay, góp sức của các ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và nhận thức rõ về bản chất hoạt động phạm tội của các đối tượng để phòng ngừa, không để bị lôi kéo, dụ dỗ, tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.
T.L

0 nhận xét:

Đăng nhận xét