Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Thủ đoạn lợi dụng ứng dụng ChatGPT để xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch

Trong thời đại hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều công nghệ mới, phục vụ tốt cho đời sống, sản xuất của con người. Trong đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống. Công nghệ AI là công nghệ sử dụng đến kỹ thuật số có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ mà cần tới trí thông minh của con người và được xem là phổ biến nhất. Đây là một công nghệ đặc biệt, nó có khả năng “tự học” nên có thể phân tích, phán đoán mà không cần đến con người với số lượng rất lớn và ở tốc độ cao. ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) là một ứng dụng của công nghệ AI và đang trở thành một hiện tượng thu hút sự tò mò của cộng đồng mạng hiện nay. ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra ở mọi lĩnh vực. Mặc khác, ChatGPT còn biết làm thơ, soạn nhạc, thiết kế và cao hơn đó là sửa lỗi lập trình... ChatGPT tiếp nhận những phản hồi đánh giá từ người dùng và “tự học” để tinh chỉnh kiến thức, cho nên AI ngày càng thông minh hơn.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, có lẽ chưa phải là giai đoạn phát triển đỉnh cao của công nghệ này, nó còn tồn tại rất nhiều thiếu sót, cần được chỉnh sửa và hoàn thiện nhiều hơn để có được kết quả tốt nhất, tối ưu nhất. Từ đó, một số đối tượng phản động đã lợi dụng những thiếu sót này của ChatPGT để đưa thông tin xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, tạo ra sự mơ hồ về nhận thức dẫn đến sự hỗn loạn về tư tưởng trong quần chúng nhân dân, với mục đích xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa; truyền bá các quan điểm sai lệch, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc làm phai mờ niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Điển hình, hiện nay một số đối tượng phản động lưu vong đã lợi dụng những phần chưa hoàn thiện của ứng dụng ChatGPT, đặt ra những câu hỏi liên quan và lợi dụng câu trả lời sai từ ChatGPT để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước ta. Sau khi nhận được câu trả lời, số đối tượng thù địch đã cho đăng tải trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như một hình thức truyên truyền, xuyên tạc rộng rãi. Đơn cử cho trường hợp câu hỏi “Vậy là không thể tồn tại kinh tế thị trường mà lại định hướng XHCN được?” và lợi dụng câu trả lời chưa chính xác từ ChatGPT để xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng.
“Không, không thể. Không thể có một kinh tế thị trường được định hướng bởi XHCN. Trong đó, kinh tế thị trường yêu cầu sự giữa các vốn đầu tư, tính hợp lý và tôn trọng các luật và nguyên tắc của thị trường hoạt động. XHCN lại cần sự định hướng, sự điều khiển và theo dõi chặt chẽ từ chính phủ, và điều này không phù hợp với việc hoạt động hình thức tự do của mô hình thị trường kinh tế”. Đây là câu trả lời chưa chính xác mà ứng dụng ChatGPT đưa ra. Chúng ta có thể nhìn rõ từ những quan điểm sau đây.
Đầu tiên, nền kinh tế thị trường cần phải có sự điều tiết của Nhà nước. Nền kinh tế thị trường là một sản phẩm của văn minh nhân loại. “Nền kinh tế thị trường được vận hành theo cơ chế thị trường. Đó là nền kinh tế hàng hóa phát triển cao, ở đó mọi quan hệ sản xuất và trao đổi đều được thông qua thị trường, chịu sự tác động, điều tiết của các quy luật thị trường.” Ở mỗi một quốc gia đều có một mô hình kinh tế thị trường khác nhau phù hợp với điều kiện của quốc gia đó. Tuy nền kinh tế thị trường có nhiều ưu thế trong phát triển sản xuất nhưng nó cũng có những mặt tiêu cực. Rõ hơn, với những ưu thế mà nền kinh tế thị trường tạo ra như tạo ra động lực cho sự sáng tạo các chủ thể kinh tế; phát huy tốt tiềm năng của mọi chủ thể, các vùng, miền cũng như lợi thế quốc gia; tạo ra các phương thức thõa mãn tối đa nhu cầu của con người từ đó thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Còn những tiêu cực mà kinh tế thị trường để lại như nó có tiềm ẩn nhiều rủi ro khủng hoảng; tạo ra xu hướng cạn kiệt tài nguyên không thể tái tạo, suy thoái môi trường; tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong xã hội. Và những mặt tiêu cực này, kinh tế thị trường không tự khắc phục được mà cần phải có vai trò điều tiết kinh tế của Nhà nước mới có hiệu quả. Như vậy, Nhà nước cũng là một thành phần trong nền kinh tế thị trường, có vai trò điều tiết nền kinh tế sao cho phù hợp với những điều kiện, những yếu tố khách quan bên ngoài có tác động đến nền kinh tế trong nước để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cho nên, sự “điều tiết” cần phải được hiểu rõ đó là sự điều hòa, tiết chế cho hài hòa, nó không phải là điều khiển (sự chỉ đạo, chỉ dẫn). Sự điều tiết, quản lý của nhà nước không có nghĩa là kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế. Thực tế lịch sử nước ta cũng đã trải qua thời kỳ kinh tế bao cấp trước năm đổi mới 1986. Khi đó, Nhà nước nắm mọi quyền thu mua và bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, ….tạo ra một sự kiềm hãm phát triển kinh tế, thậm chí có xu hướng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Đến năm 1986, Đảng và Nhà nước ta thực hiện đổi mới sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đưa nền kinh tế trở nên khởi sắc và ngày càng phát triển.
Nghĩ theo một hướng ngược lại, nếu để nền kinh tế phát triển một cách tự do, với một biến cố khách quan nào đó làm cho hàng hóa trở nên khan hiếm dẫn đến việc giá cả tăng cao, lại còn bị các tập đoàn chi phối hay một cá nhân nào thao túng thì có thể dẫn đến làn sóng khủng hoảng kinh tế. Hay các công ty doanh nghiệp vì lợi nhuận mà khai thác tài nguyên quá mức, thực hiện sản xuất làm ô nhiễm môi trường, như vậy mà đua nhau hủy hoại tài nguyên không kiểm soát, chắc chắn sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn đến kinh tế, cuộc sống sau này….Cho nên rất cần vai trò điều tiết của Nhà nước.
Thứ hai, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chứ không phải là nền kinh tế XHCN, nền kinh tế XHCN là đích đến. Cần phải hiểu “định hướng” ở đây là xác định phương hướng, tức là chưa đạt đến CNXH mà đang trong giai đoạn để xây dựng nền tảng CNXH trong tương lai. Khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được định nghĩa như sau: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường, đồng thời góp phần hướng tới từng bước xác lập một xã hội mà ở đó dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có sự điều tiết của Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Những giá trị dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là những giá trị của xã hội tương lai tiếp tục phấn đấu hướng đến. Thực tế ngày nay, có rất nhiều quốc gia chưa đủ các giá trị mặc dù rất giàu nhưng lại chưa mạnh, xã hội còn thiếu văn minh, hay có những quốc gia mạnh lại thiếu đi sự dân chủ, công bằng. Những giá trị toàn diện trên, xã hội loài người cần phải phấn đấu mới có thể đạt được. Cho nên, định hướng XHCN dễ hiểu là hướng đến toàn diện giá trị cốt lõi của xã hội đó và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là các hoạt động kinh tế của chủ thể hướng tới xác lập các giá trị thực tế toàn diện.
Như trên, có thể thấy được công nghệ AI hiện nay tuy là hiện đại tiên tiến nhưng trong quá trình phát triển của nó ở giai đoạn này thì vẫn tồn tại nhiều thiếu sót, cần phải cải thiện nhiều hơn nữa mới có thể hoàn toàn tư duy được như con người. Công ty phát triển dự án ChatGPT - Công ty OpenAI cho biết “định dạng đối thoại giúp ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, thừa nhận sai lầm của mình, trao đổi lại những kiến thức không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp”. ChatGPT còn được “đào tạo” để học từ các phản hồi của người dùng. Người dùng sẽ lựa chọn thông tin và phản hồi lại chatbot nếu nó trả lời sai và chatbot này sẽ “học” từ những câu trả lời đó, qua đó giúp hệ thống của nó xây dựng, bổ sung kiến thức. Công ty OpenAI cũng thừa nhận những hạn chế của ChatGPT, bao gồm chatbot này có thể đưa ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế là sai kiến thức, đáp ứng những yêu cầu phi lý hay thể hiện thiên kiến.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các thế lực thù địch, phản động có rất nhiều cũng như đa dạng cách thức để chống phá Đảng và Nhà nước ta, cụ thể ở đây là lợi dụng nhược điểm hiện tại của công nghệ ChatPGT, các thế lực thù địch đã tuyên truyền những quan điểm sai lệch để thực hiện âm mưu của mình với nhiều hình thức khác nhau, kể cả ở mạng xã hội. Thủ đoạn tấn công vào hệ tư tưởng để đầu độc thế hệ trẻ, xóa bỏ niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước ta, với các mục tiêu như: Phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, phi chính trị hóa Quân đội và Công an,... Mỗi cá nhân cần bình tĩnh phân tích để vạch trần bản chất của vấn đề, luận điệu mà các thế lực thù địch đưa ra. Với chiến lược “diễn biến hòa bình”, kẻ địch ngày càng thể hiện sự tinh vi, xảo quyệt và thâm độc, mỗi cá nhân chúng ta cần đề cao cảnh giác, chủ động tìm những nguồn thông tin chính thống chính xác về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tránh bị cuốn vào những luận điệu xuyên tạc, chống phá của kẻ thù dù là bất kỳ hình thức nào./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét