Bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, và “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Trong đó có việc bảo đảm nhân quyền góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Ngày 11/10/2022, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đây là lần thứ 2 chúng ta đại diện cho các nước ASEAN, đồng thời cũng là ứng viên châu Á duy nhất của cộng đồng Pháp Ngữ ứng cử và được quốc tế tín nhiệm bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối. Đó là minh chứng chân thực không thể bác bỏ về những thành quả trong việc thực thi các Công ước quốc tế cũng như bảo vệ thúc đẩy các giá trị về quyền con người ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn không ngừng đưa ra những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Những năm gần đây, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,… luôn là một trong những mục tiêu trọng tâm mà các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, khai thác để chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, chúng đề cao, “ca ngợi” số phần tử nổi trội trong “phong trào chống phá” với những tên gọi mỹ miều như “tù nhân lương tâm”, “nhà bất đồng chính kiến”,… nhằm “thần thánh hóa”, “lý tưởng hóa” hoạt động tiêu cực của số này, đồng thời “làm hồng” công cuộc chống phá của chúng. Số này được bên ngoài gọi tên và tung hô trên các diễn đàn như “anh hùng” vì đã dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Trên thực tế, bọn chúng lại là các đối tượng thường xuyên kích động nhân dân chống đối chính quyền; soạn thảo, phát tán nhiều tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước; bôi xấu chế độ hoặc vi phạm pháp luật nhà nước. Từ đó, lợi dụng, kêu gọi các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Mỹ, can thiệp tình hình nội bộ Việt Nam, cổ súy, kích động những đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn và cơ hội chính trị tố cáo Việt Nam vi phạm quyền con người.
Điển hình trong số này, có thể kể đến Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) - một trong những tổ chức phản động người Việt lưu vong tại California, Mỹ. Bọn chúng đã dựng lên việc hiện có gần 300 “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ trong năm 2021. Tổ chức khủng bố Việt Tân còn dựng lên “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” với mục đích nhằm vinh danh “những hoạt động cứu trợ dân nghèo gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã bị chính quyền bỏ rơi” và đề cao “sự hi sinh, những việc làm của những cá nhân hay những tổ chức đang miệt mài đấu tranh cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam”. Đồng thời, coi đây như “một nỗ lực đóng góp cụ thể vào công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam”. Tại Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật và bị các cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc kích động hay ra sức bảo vệ các đối tượng gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự cổ súy cho những kẻ vi phạm pháp luật bị kết án nhưng không chấp hành hình phạt, đội lốt dân chủ, lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước, chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam.
Với những hoạt động trên, mục đích chúng hướng đến là nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam; kích động chia rẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình” và cuối cùng là nhằm chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong quá trình xây dựng đất nước, xây dựng nền văn minh, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật. Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đó là hệ thống pháp luật dân chủ, phản ánh công lí, phù hợp với quyền tự nhiên của con người. Những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của luật pháp. Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người. Trong đó, tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Để không bị kẻ xấu dẫn dắt, tin nghe theo những luận điệu sai sự thật, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống xuyên tạc việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Các cá nhân trong điều kiện và khả năng thực tế cần tích cực tham gia đóng góp công sức vào quá trình phát triển của đất nước; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Quang Đại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét