Không thể phủ nhận những tiện ích từ các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube, Instargram…) mang đến cuộc sống của con người từ cung cấp, trao đổi thông tin, giao lưu, kết nối bạn bè đến kinh doanh, mua bán trực tuyến trên các nền tảng này. Bên cạnh việc tiếp nhận các thông tin tích cực từ các nền tảng mạng xã hội qua quan sát thói quen sử dụng mạng xã hội của nhiều người, chúng ta không khó để nhận thấy không ít người đã và đang bị mạng xã hội “dẫn dắt” một cách thái quá, dẫn đến sự “tha hóa” thậm chí dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Dưới đây là một trong những biểu hiện và bạn có thuộc một trong những nhóm hành vi sau hay không?
Một là, thời gian sử dụng mạng xã hội quá nhiều khiến người dùng trở nên mệt mỏi, trầm cảm, xa rời hiện thực đời sống, quên đi đời sống thực với biết bao điều phong phú; chỉ đắm chìm vào số lượng “like”, “comment” trong các bài viết, hình ảnh, video mình đã đưa lên. Khi tiếp xúc gặp gỡ với mọi người xung quanh thì chỉ chú tâm vào việc sử dụng điện thoại, thiếu sự quan tâm đến việc mình đang gặp ai, làm điều gì? Một số trường hợp luôn có biểu hiện thái quá trong tranh luận, thậm chí quá khích, luôn thích bày tỏ chính kiến đề cao cái “tôi”, quan điểm cá nhân ở các diễn đàn, các hội, nhóm, các trang cá nhân khác. Luôn cố tỏ ra mình đúng, giỏi, được người khác tán dương; ngộ nhận - tự tạo cho mình một “vị thế”, “quyền lực ảo” trên không gian mạng và có quyền phán xét bất cứ một vấn đề nào đó trên không gian mạng.
Hai là, có những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa trên mạng xã hội. Thậm chí có những lĩnh vực không thuộc kiến thức chuyên môn của mình cũng “nhảy vào” bình luận, tranh luận. Những bình luận xuất phát từ nhận thức lệch chuẩn đã góp phần tạo hiệu ứng và “lèo lái” dư luận theo những định hướng tiêu cực của kẻ xấu. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn tiếp tay bằng việc đăng tải các bài viết xuyên tạc, clip cắt ghép với tâm lý, thái độ cực đoan, công kích tôn giáo, văn hóa, đạo đức xã hội và cả hệ thống pháp luật. Xu thế “chửi bới”, hùa theo “bầy đàn”, tấn công, bóc phốt, “chửi lấy sao, lấy số” lấn át dòng thông tin chính thống, tạo ra bức tranh tiêu cực về tình hình an ninh - kinh tế - xã hội của đất nước. Ở một cấp độ cao hơn, sau khi thể hiện bản thân ở các diễn đàn, trang cá nhân, một số người sử dụng mạng xã hội nổi tiếng còn quay ra tấn công các cơ quan chính quyền bằng nhiều hình thức khi xảy ra sự việc không vừa ý. Chẳng hạn như không may vi phạm giao thông thay vì xuất trình giấy tờ, tìm hiểu về lỗi vi phạm thì họ lại livetream nhờ cộng đồng mạn phán xét, cho rằng lẻ phải thuộc về mình, đồng thời hăm dọa lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ…. những ai không biết, cũng a dua, chửi bới “nói như đúng rồi”, chia sẻ, coment phản cảm với những lời lẽ xuyên tạc, bóp méo sự thật, bất chấp hậu quả gây ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng.
Ba là, rất dễ trở thành người sống “hai mặt”. Ở ngoài đời biểu hiện và sinh hoạt chuẩn mực, nhưng khi lên mạng lập tài khoản ẩn danh, tha hồ “hô mưa, gọi gió”. Việc cộng đồng mạng “tung hô”, “thả like”, “tích cực bình luận” khiến cho người dùng mạng xã hội ẩn danh cảm thấy bản thân “vẻ vang, sang trọng”, cảm thấy mình có “quyền lực”, dần dần khiến họ “tự chuyển biến”. Thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên,… khi thảo luận về chuyên môn hoặc sinh hoạt chi bộ không bày tỏ quan điểm, thái độ và chính kiến, nhưng khi lên mạng lại đánh giá, phán xét, viết những câu chuyện đi ngược với tôn chỉ, quy định, yêu cầu của ngành mình đang công tác. Cũng không ít một số người có học hàm, học vị cao, nhưng chỉ vì bất mãn hoặc có cái nhìn phiến diện, thường xuyên tiếp xúc với những thông xâu độc nên thường xuyên đăng tải, phát tán trên các trang web cá nhân những lời lẽ gắn mác “trách nhiệm”, “tâm huyết” dưới dạng “thư ngỏ”, “góp ý”, nhưng thực chất là đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng....
Bốn là, một hiện tượng cá nhân sau khi “nổi danh, nổi tiếng” trên mạng, cũng như không ít diễn viên, người mẫu, ca sĩ đã tranh thủ kiếm tiền bằng việc quảng cáo - chủ yếu là “thổi phồng”, sai sự thật cho các nhãn hàng, sản phẩm. Một số khác lại “chuyên tâm” đăng tải các bài viết, thông tin nhằm mục đích “bóc phốt, “dìm hàng”, công kích, chê bai các nhãn hàng, cơ sở du lịch, doanh nghiệp… Thực chất, đây là những biểu hiện “tống tiền” các cá nhân và công ty, doanh nghiệp khi thấy họ có “sự cố truyền thông”.
Năm là, thường xuyên chia sẻ những thông tin nhạy cảm, giật gân lên trang cá nhân, các hội nhóm mặc dù không biết thông tin này đúng hay sai nhằm thu hút lượt theo dõi, quan tâm trên trang cá nhân. Nhưng thật ra sau khi tìm hiểu kỹ, những thông tin, bài viết này thường “lập lờ đánh lận con đen” - kết hợp đưa những thông tin chính thức được cơ quan truyền thông công bố rồi “trộn lẫn” với nội dung, hình ảnh xuyên tạc, sai trái, phản động nhằm chống phá Đảng và chế độ. Không ít người sử dụng Internet, mạng xã hội bị “dẫn dụ” và “đánh lừa” bởi những thông tin “thật - giả lẫn lộn” và dĩ nhiên cũng không ít trường hợp đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Giả sử trong các trường hợp nêu trên, dù có ít hay nhiều biểu hiện đi chăng nữa, chúng ta cần “tự soi”, “tự sửa” để điều chỉnh hành vi của mình sao cho văn minh, phù hợp với văn hóa ứng xử và các quy định của pháp luật nhất là Luật An ninh mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh và là những tuyên truyền viên trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.
Panchylada
- Tổng hợp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét