Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Facebook Mặc Tuyền - đằng sau sự "sáng tạo"!

Khi khoác lên mình danh xưng "văn nghệ sĩ" thì bất cứ lời nói, hành động nào của bạn cũng sẽ phản ánh về nhận thức, nhân cách của người làm nghề. Đặc biệt khi những "sự sáng tạo" thể hiện cái tôi, cái ngông cuồng đặt không đúng chỗ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người nghệ sỹ, mà còn khiến cộng đồng, dư luận đánh giá không tốt môi trường nghệ thuật - nơi còn có những người lao động tử tế hàng ngày để tạo ra sản phẩm làm đẹp cho đời.

        Bằng một sự tình cờ tôi đã được "đề xuất kết bạn" facebook "Mặc Tuyền" mà sau đó tôi mới biết chủ tài khoản là nhà văn M.T - một người biết nhiều nghề trong giới làm nghệ thuật ở Long An. Lướt dòng facebook của "bác Tuyền râu" không khó để thấy rằng bác có nhiều "sáng tạo" chứa đựng nỗi niềm và những cái tôi rất riêng "khi phải làm người sống liu điu giữa cuộc đời trắng đen - theo cách tự sự của bác". Nhưng tôi ngạc nhiên ở chỗ, trong tất cả những "sáng tạo" chất chứa nhiều trăn trở ấy của bác không bao giờ (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại) có chỗ cho những điều văn học nghệ thuật hướng đến là "chân - thiện - mỹ" dù rằng bác ta đang làm nghệ thuật - một lĩnh vực đặc thù sáng tạo ra những sản phẩm mang giá trị tinh thần phong phú để bồi đắp, làm đẹp cho xã hội, cho con người.

Thật vậy! Nếu làm một cuộc khảo sát đơn giản để rút ra những con số khô khan thì có thể thấy trong 30 ngày "thả hồn" trên status, "bác Tuyền râu" đã có đến 20  ngày "sáng tạo", "tô vẽ" hiện thực xã hội thành những mảng tối đen phủ lên hiện thực muôn màu của đời sống dù những "mảng tối" ấy đã và đang được những người đứng đầu đất nước này quan tâm giải quyết. Mà hình như bác rất quan tâm đến vấn nạn tham nhũng - mảng đề tài nóng bỏng của xã hội. Nhưng tiếc thay, đề tài đáng quan tâm ấy luôn được bác tô, vẽ bằng những hình ảnh suy đồi, tục tĩu để rồi quy chụp, lên án, bôi bác nhà nước và công cuộc chống tham nhũng của toàn dân.

Lẽ nào bác không hiểu? Chưa khi nào khí thế chống tham nhũng lên cao như lúc này, đặc biệt, xét về khía cạnh lòng dân. Điểm lại dư luận xã hội từ những sự kiện xảy ra vừa qua, có thể thấy rõ ràng rằng người dân đang phấn khích trước những kết quả mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng mang lại với hàng loạt đại án tham nhũng bị điều tra, đưa ra ánh sáng như: vụ sai phạm ở Tổng công ty cổ phân xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) buộc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn nhưng cuối cùng phải ra đầu thú, thừa nhận tội trạng; hay vụ xét xử đại án tham nhũng liên quan đến Hà Văn Thắm và đồng bọn xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank); rồi vụ bắt giữ Trầm Bê và các bị can liên quan đến vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng" xảy ra tại ngân hàng Xây dựng Việt Nam, ngân hàng Tiên Phong, BIDV và Sacombank,… Cũng phải nói thêm rằng, nhà nước đã có bước đi quan trọng trong giải quyết vấn nạn tham nhũng đó là kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm một cách nghiêm túc, triệt để và "không có vùng cấm". Điển hình gần đây nhất là việc Ủy ban kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận về sai phạm phải xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng. Với những gì đang diễn ra tôi tin vào sự nỗ lực, quyết tâm của những người đứng đầu nhà nước và sự đồng thuận của toàn dân đối với cuộc chiến này.

Với bác Tuyền râu - một văn nhân cũng được nhiều người biết đến thì việc thể hiện "tư tưởng lớn" qua sự quan tâm phản biện xã hội cũng là điều bình thường nhưng xin bác đừng đánh lừa dư luận, cộng đồng facebook bằng cách hô hào theo kiểu câu like bằng những thông tin chưa kiểm chứng, lấy những suy nghĩ bệnh hoạn của mình để "tô, vẽ" rồi phát ngôn, quy chụp này, phán xét nọ. Tham gia mạng xã hội đã là cách để tìm hiểu, nắm bắt thông tin, kết nối bạn bè nên mong bác đừng biến nó thành diễn đàn để "làm chính trị", tạo sự chú ý trên mạng xã hội rồi coi việc có nhiều "rận chủ" hùa theo bình luận là một thành công trong thế giới internet.

Thiết nghĩ có rất nhiều cách để bày tỏ quan điểm trước một vấn đề nào đó mà bạn quan tâm. Nếu thực sự là một người tử tế, làm nghệ thuật chân chính thì người nghệ sĩ đó sẽ không đánh mất nhân cách của mình và biết được đâu là giới hạn, là cách phản biện có văn hóa, trách nhiệm trước những tiêu cực, bất công. Nhìn nhận và chê bai thế nào cũng là văn hóa của người làm nghệ thuật, thể hiện rõ ràng nhất nhân cách, đạo đức đằng sau những tác phẩm nghệ thuật mà họ tạo ra.

Vì vậy việc xem lại nhân cách và trách nhiệm của mình cũng là việc nên làm với bác, "bác Tuyền râu" ạ!


                                                                                                                  Thụy Dung

0 nhận xét:

Đăng nhận xét