Điều 10, Hiến pháp 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể thấy, Công đoàn Việt Nam giữ vai trò đặt biệt quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Trong đó nhiệm vụ “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” được đặt lên hàng đầu.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn (Khoản 1, Điều 170, Bộ Luật Lao động). Đây là một quyền không mới do đã được pháp luật về lao động của Việt Nam ghi nhận cho người lao động từ lâu. Tuy nhiên để đáp ứng đòi hỏi của các Hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động. Tại Khoản 2, Điều 170, Bộ Luật lao động đã bổ sung quy định cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp, theo đó các quy định về gia nhập, tham gia tổ chức này là rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống nhưng có một điểm chung là cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rất rõ công dân có quyền lập hội. Tuy nhiên, việc lập hội phải được thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm các luật và văn bản dưới luật như: Sắc lệnh số 102/SL/L004, ngày 20/5/1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội; Bộ Luật Dân sự Việt Nam 2005; Luật Tổ chức chính phủ; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP, ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Theo quy định của Nghị định này, thì các hội lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố phải được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn; nếu hội hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn... Qua loạt văn bản nêu trên cho thấy pháp luật quy định rất cụ thể và rõ ràng việc việc lập hội tại Việt Nam.
Trên thực tế, các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc bản chất, vai trò của Công đoàn Việt Nam cho rằng “Công đoàn đã bắt tay với giới chủ, đã từ bỏ đấu tranh giai cấp, không còn bảo vệ cho quyền lợi của công nhân, người lao động”. Vừa phủ nhận vai trò Công đoàn Việt Nam, chúng lại lợi dụng những điểm mới trong quy định của Bộ Luật Lao động để kêu gọi thành lập một cách tự phát cái gọi là “Công đoàn độc lập”, “Nghiệp đoàn độc lập”, “Nghiệp đoàn tự do”… với lý do “để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của công nhân, người lao động” nhưng thật chất là lấy danh nghĩa đó để thành lập tổ chức, hội nhóm trái phép. Thật ra, nếu những tổ chức này thực hiện các thủ tục đăng ký xin phép, có động cơ, mục đích và cách thức hoạt động trong sáng, đại diện cho tiếng nói, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, những tổ chức này không đăng ký, không tiến hành các thủ tục xin phép thành lập và cũng không có kế hoạch, xu hướng xin phép thành lập. Điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật và hoạt động trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Có thể thấy, với việc thành lập không chính danh, tự phát, cái gọi là “Công đoàn độc lập” hay “Nghiệp đoàn độc lập”… thật chất chỉ là cái cớ mà các thế lực thù địch, phản động muốn xây dựng một lực lượng “độc lập” với Đảng, thoát ly khỏi sự quản lý Nhà nước.
Mới đây, một “nhà quan sát hiện sống tại Đức” tuyên bố rằng: Nghiệp đoàn tự thân nó là phi chính trị, là đồng hành với người lao động. Nghiệp đoàn phải độc lập với đảng chính trị cầm quyền, phải độc lập với nhà nước thì mới bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Đây hoàn toàn là quan điểm sai trái bởi trên thực tế Điều 4 Hiếp pháp có quy định “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng lãnh đạo công đoàn nhưng không can thiệp vào công việc của công đoàn mà luôn tôn trọng công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn hoàn thành sứ mệnh. Công đoàn độc lập với Nhà nước nhưng Công đoàn Việt Nam phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Nhà nước để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động với tư cách là một bên trong ba quan hệ “Nhà nước - Giới sử dụng lao động - Đại diện người lao động”. Chính phủ cũng không làm thay đổi hay can thiệp công đoàn mà chỉ phối hợp chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn. Với luận điệu trên có thể thấy “nhà quan sát” đã cố tình đánh tráo khái niệm “độc lập” với “đối lập” nhằm cổ xúy cho quan điểm hình thành một lực lượng chính trị “độc lập” nhân danh Nhân dân, nhân quyền và vì quyền lợi người lao động để không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Trong thời gian qua, xuất hiện một số tổ chức nhân danh “độc lập”, “dân chủ”, “nhân quyền” như: Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Hội anh em dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền... nhưng mục đích của các tổ chức này là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc, bóp méo chế độ chính trị; tiến hành các hoạt động chống đối với các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta. Mặc dù đang trong quá trình vận động thành lập một cách tự phát, bất hợp pháp nhưng có lẽ “Công đoàn độc lập” hay “Nghiệp đoàn độc lập”… cũng không nằm ngoài những mục đích trên, thậm chí bọn chúng còn muốn thay thế vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam? Thật không thể tin được, một tổ chức tự xưng, không được Nhà nước công nhận, pháp luật bảo vệ lập nên mà đòi “đồng hành”, “đại diện” bảo vệ người lao động? Trong khi đó, Công đoàn Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội được Hiến pháp công nhận, có tôn chỉ mục đích hoạt động rõ ràng theo quy định của pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lao động, thì bọn chúng lấy cơ gì để thay thế?
Biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật, đây chính là hành vi của những những kẻ đang cố tình kêu gọi thành lập cái được gọi là “Công đoàn độc lập” hay “Nghiệp đoàn độc lập” theo xu hướng tự do, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trước là để nghiêm trị sau là để cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội hiện nay.
Đại Lộc - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét