Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

PHỦ NHẬN THÀNH QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG LÀ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

Tham nhũng là hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp và gây mất niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Đảng ta khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng. Cách mạng Tháng Tám thành công lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay từ thời điểm bấy giờ, Nhà nước và Chính phủ đã nhận ra quy luật tất yếu của sự hình thành tệ nạn tham nhũng trong xã hội. Chính vì vậy, hàng loạt dấu hiệu, biểu hiện về tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn… đã được Nhà nước, Chính phủ chỉ ra. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, của Bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm súng, mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng việc của ta…”. Chính vì vậy, đấu tranh phòng chống tham nhũng có vai trò rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
Tiếp tục quán triệt các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, XII về một số chủ trương, quan điểm trong phòng chống tham nhũng, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn về phòng chống tham nhũng với nhiều biện pháp như: hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe, kiểm soát tham nhũng. Thực hành nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”… Có thể nói công tác phòng chống tham nhũng được Đảng ta đặc biệt quan tâm, đề cập trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội với quyết tâm chính trị cao để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng theo phương châm “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng”.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương giải pháp trong công tác điều tra, xử lý và đã được thể chế hóa thành luật, các văn bản dưới luật như: tại Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”; Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó là Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã có một chế định pháp lý riêng, quy định các tội phạm tham nhũng. Những văn bản này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc giúp cho các cơ quan Nhà nước tại địa phương tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các các giải pháp phòng chống tham nhũng cũng như điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực: Từ 2013-2020, đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng; khởi tố, điều tra, truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự ; các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỉ đồng, 200.000 ha đất, kiến nghị xử lý 14.000 tập thể và cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 32.04% ... Có thể thấy kết quả này đạt được là nhờ sự nổ lực, chỉ đạo quyết liệt từ nhiều năm qua của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông các doanh nghiệp và Nhân dân nên những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao.
Thời gian qua, lợi dụng những thành tựu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là những vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã bị đưa ra xử lý, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá với các luận điệu như: “đang có cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng”, “cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cán”, “tăng cường phòng chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”, “chống tham nhũng chỉ là hô hào khẩu hiệu” và cho rằng tham nhũng là bản chất, là hệ quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, cơ chế lãnh đạo độc đảng. Thông qua những luận điệu này, bọn chúng rắp tâm dựng nên một bức tranh “u ám”, phủ nhận những nổ lực, quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã và đang chỉ đạo. Suy cho cùng mục đích của bọn chúng là xúi giục, kích động Nhân dân đứng lên thay đổi cương lĩnh, thể chế chính trị, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.
Thật ra, nếu ai đã từng đọc những thông tin nhảm nhí xuyên tạc bản chất công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay trên các trang mạng xã hội do các thế lực thù địch ngụy tạo, sẽ không khó để nhận ra những âm mưu thâm hiểm của bọn chúng. Đảng và Nhà nước ta không phủ nhận tệ nạn tham nhũng và những hậu quả mà nó gây ra cho xã hội nên đã có những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để phòng ngừa, điều tra, xử lý nhằm củng cố niềm tin ở Nhân dân. Mọi người cần phải biết đây là công việc quan trọng, lâu dài và phải cùng với Đảng, Nhà nước nước phát huy tinh thần cao độ trong công tác phòng chống tham nhũng góp phần làm thất bại mọi toan tính thâm hiểm, phủ nhận những thành tựu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, nhà nước ta trong suốt thời gian qua./.
Khánh Thi - tổng hợp

[1] Theo Báo Thanh niên, bài “Tiếp tục quyết liệt chống tham nhũng”, số ra ngày 13/12/2020

[1] Theo Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, bài “Quan điểm phòng, chống tham nhũng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và những giải pháp thực hiện, ngày phát hành 28/6/2021. 




0 nhận xét:

Đăng nhận xét