Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Cái giá phải trả khi lợi dụng các quyền “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” để chống phá Đảng, Nhà nước

Ngày 10/02/2022, Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải “Tự do báo chí Canada – Anh” cho đối tượng Phạm Thị Đoan Trang; lợi dụng sự kiện này các cá nhân, tổ chức phản động tại Canada – Anh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, “tán dương” hoạt động chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí của Trang; ráo riết vận động cá nhân, hội đoàn người Việt tại Canada ký tên vận động trao giải Nobel Hòa bình cho đối tượng Trang… việc này gây tác động, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh nước ta đang vận động các nước ủng hộ bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Vậy Phạm Thị Đoan Trang là ai?
Ngày 14/12/2021, Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Bản án 9 năm tù dành cho Trang là một kết cục tất yếu cho những người được sinh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục trên mãnh đất Việt Nam nhưng lại luôn có tư tưởng chống phá, đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc và Nhân dân.
Phạm Thị Đoan Trang, một “nhà dân chủ rởm” từng tốt nghiệp Trường Hà Nội – Amsterdam và Khoa Kinh tế - Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau khi ra trường Trang làm phóng viên cho báo điện tử Vnexpress, sau đó làm nhân viên công ty quảng cáo HAKI, nhân viên công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên báo Vietnamnet và làm phóng viên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Năm 2013, do xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép nên Trang đã bị cơ quan chủ quản kỷ luật buộc thôi việc. Trong chuyến xuất cảnh trái phép này, Trang đã bị một số đối tượng chống đối Việt Nam dẫn dắt, móc nối, lôi kéo và đã tham gia vào các hoạt động biểu tình cùng cộng đồng chống đối, thậm chí giương lá cờ vàng ba sọc. Trang đã tiến hành thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, đồng thời, đứng sau lôi kéo lập nhóm “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương”, tụ tập, khuếch trương lực lượng chống đối trong nước, tập hợp lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ.
Phạm Thị Đoan Trang cũng lập và điều hành các trang mạng “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese magazine”; viết, tán phát nhiều bài viết, sách có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ. Phạm Thị Đoan Trang là thành viên cốt cán của tổ chức VOICE (viết tắt của “Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment” tức là “Sáng kiến vì tương lai người Việt hải ngoại” – một tổ chức lấy lương tâm để che đậy hành vi chống phá Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Trang cũng là một trong những người sáng lập và duy trì hoạt động của Nhà xuất bản Tự do – một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động trái phép chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước.
Cũng như hàng loạt các đối tượng chống đối khác, Phạm Thị Đoan Trang được nhiều cá nhân, tổ chức phản động, cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam tung hô, khích lệ. Trước, trong và sau thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử Phạm Thị Đoan Trang, mạng Internet tràn ngập những thông tin của các cá nhân, tổ chức phản động, cực đoan ca ngợi, cổ súy cho Trang; đồng thời vu cáo, xuyên tạc Việt Nam đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, nhà “đấu tranh dân chủ”, “hoạt động nhân quyền”. Những tổ chức phi Chính phủ như: Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban cứu trợ người vượt biển (BPSOS)… đòi trả tự do cho Trang với luận điệu Trang chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Với danh nghĩa là phóng viên, Phạm Thị Đoan Trang được các cá nhân, tổ chức cực đoan, phản động bên ngoài ra sức cổ vũ, kích động xuyên tạc Việt Nam đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận; xây dựng thành “ngọn cờ” nhằm lôi kéo thêm những đối tượng chống đối trong nước, tạo dựng lên lực lượng đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Là một người có học thức cao nhưng Trang không sử dụng kiến thức đã học để xây dựng quê hương, đất nước mà quay sang xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, ca ngợi những giá trị phương Tây, Trang khẳng định công dân Việt Nam khi ra nước ngoài được coi là “công dân hạng 3” nên cần phải hành động để thay đổi chế độ.
Trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt lựa chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội là phù hợp và “bất di, bất dịch”. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã cho thấy sự lựa chọn đó là vô cùng đúng đắn, vị thế và tầm vóc của Việt Nam ngày càng được nâng cao, như khẳng định trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 09/12/2021.
Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang đã tạo cái cớ để các nước, cá nhân, tổ chức bên ngoài lợi dụng để phê phán, vu cáo hạ thấp uy tín của Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta hoan nghênh và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí; Tuy nhiên, thực thi các quyền tự do này phải trong khuôn khổ của pháp luật, những ý kiến, tiếng nói phản biện tích cực, mang tính xây dựng luôn được đón nhận, song những quan điểm tiêu cực, chống đối, kích động, gây rối loạn xã hội thì cần đấu tranh, loại trừ. Tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ và không có thứ tự do nào đứng ngoài và đứng trên pháp luật.
Chính vì lẽ đó, bất kỳ một hành vi nào lợi dụng quyền tự do của bản thân mình để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Nhân dân đều phải chịu các biện pháp chế tài của pháp luật. Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ổn định của đất nước và tiền đề quan trọng để bảo đảm, thúc đẩy và phát huy các giá trị “Quyền con người”.
V.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét