Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

TÁN PHÁT HÌNH ẢNH CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI KHÁC LÊN MẠNG XÃ HỘI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

Những ngày qua, mạng xã hội được một phen dậy sóng khi hình ảnh của đời tư của một nữ ca sĩ nổi tiếng và “đại gia” với những cử chỉ “thân thiết” được tán phát tràn lan trên mạng xã hội. Ngay sau đó, báo chí và các trang mạng liên tục đăng tải với mức độ dày đặc những thông tin, hình ảnh về đời tư của 02 nhân vật này, thậm chí cả gia đình, người thân, công việc đều được đào xới mọi ngóc ngách một cách tùy tiện… Điều đáng nói, bên dưới những hình ảnh đó là những vô vàn những bình luận bàn tán, chửi bới, nhục mạ nữ ca sĩ này cùng với những hình ảnh thân mật của hai người. Tất cả đã gây sự chú ý cũng như bàn luận xôn xao của cư dân mạng trên khắp các diễn đàn và hội nhóm trực tuyến.
Như vậy, việc tán phát thông tin lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Tại Điều 21, Luật Công nghệ thông tin 2006 về Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng: “1. Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…3. Tổ chức, cá nhân có quyền thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó trong trường hợp thông tin cá nhân đó được sử dụng cho mục đích sau đây: a) Ký kết, sửa đổi hoặc thực hiện hợp đồng sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng; b) Tính giá, cước sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng; c) Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Có thể thấy, việc người khác phát tán hình ảnh nhạy cảm, thông tin về đời sống riêng tư cho những người khác mà không có sự cho phép của bạn là đang xâm phạm quyền về bí mật đời sống riêng tư của bạn, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân của bạn. Tùy thuộc vào mức độ hành vi vi phạm cũng như hậu quả xảy ra thì người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm dân sự hoặc nặng hơn là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
- Bị xử phạt hành chính: Nếu người đó đã phát tán hình ảnh đó trên mạng xã hội, các trang thông tin điện tử mà không có sự đồng ý của bạn, nhằm mục đích đe dọa, quấy rối, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của bạn thì người này có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
- Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
+ Người phát tán lên mạng internet những hình ảnh, clip mang những yếu tố nhạy cảm, phản cảm có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác, xâm phạm danh dự, uy tín của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự về “Tội làm nhục người khác”.
+ Đối với trường hợp người phát tán những hình ảnh, clip mang tính chất nhằm lưu truyền và phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ” theo quy định tại Điều 326 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
+ Hành vi phát tán hình ảnh, clip ghi hình người khác lên mạng nhằm mục đích tống tiền, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự…
- Bị yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép đã vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh của bạn theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Để bù đắp về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, theo Điều 592 “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm” Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Vậy bạn cần làm gì khi bị ai đó tán phát thông tin cá nhân lên mạng xã hội?
Một trong các việc cần làm ngay khi đã bị người khác phát tán những hình ảnh nhạy cảm lên các trang mạng là trình báo sự việc này đến cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền, kèm theo những bằng chứng về hành vi vi phạm của người đó hoặc những lời đe dọa mà người đó gửi cho bạn (nếu có) để có cơ sở tiến hành điều tra làm rõ và xử lý đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn kịp thời hành vi này và sự phát tán rộng rãi những hình ảnh đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.Ngoài ra, bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, yêu cầu người có hành vi sử dụng, phát tán hình ảnh về bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của bạn và gia đình phải dừng ngay hành vi phi phạm của họ, khắc phục hậu quả xảy ra./.
Thế Anh - Biên tập

0 nhận xét:

Đăng nhận xét