Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Âm mưu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xâm phạm đến nguồn lực quốc gia, làm lung lay niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tác động tiêu cực đến sự ổn định và an sinh xã hội, gây tổn hại đến sự ồn định và phát triển bền vững của chế độ. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tham nhũng là giặc nội xâm nguy hiểm và kiên quyết đấu tranh với tất cả hành vi tham nhũng tiêu cực.
Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, trên diễn đàn mạng xã hội các hãng truyền thông nước ngoài có chương trình phát sóng bằng Tiếng Việt như BBC, VOA, RFA, RFI,… các website của các tổ chức phản động như Hội Anh em dân chủ, Chân trời mới, các blogger cá nhân liên tục đăng tải, phát sóng các bài viết để chống phá, gây rối, xuyên tạc với tần suất dày đặc bằng những luận điệu trắng trợn. Chúng cho rằng chống tham nhũng, tiêu cực thật chất là “cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích”, “chỉ tự do chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng”, “Có ai còn tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm”, thậm chí chúng còn vu cáo Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị. Gần đây, bọn chúng lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện liên quan đến vụ Công ty Việt Á, các cá nhân, tổ chức thù địch đã lấy hiện tượng này làm bản chất, quy chụp cho rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thoái hóa, biến chất”. Chúng vu cáo cho rằng tham nhũng, tiêu cực đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ độc đảng cầm quyền.
Ngoài ra, còn rất nhiều bài viết còn phủ nhận những kết quả về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta khi cho rằng, Đảng, Nhà nước đã phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, không thành công, tệ nạn ngày càng gia tăng. Từ đó, số này đưa ra quan điểm, chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, bàn về Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, dẫn dắt dư luận, hoài nghi dao động, chống phá chế độ. Điển hình như trên trang RFA (Đài Á châu tự do) ngày 24/6/2022 đã đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết đánh đồng vấn đề “Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo. Trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 7.390 đảng viên do tham nhũng; Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý; các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.686 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ . Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả nước, bảo đảm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay, đã có 50 cán bộ diện trung Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật; cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ . Những số liệu trên cho thấy việc đẩy mạnh xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực nêu trên không phải là “càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều” như luận điệu các đối tượng xấu, cơ hội chính trị đã cố tình lan truyền, mà đây chính là những mảng tối trong công tác quản lý đang dần được đưa ra ánh sáng, những con sâu, con mọt bị bóc bỏ để củng cố sự vững mạnh của tổ chức Đảng, của chính quyền cơ sở. Chỉ có cách làm công khai, minh bạch và quyết liệt như vậy thì Nhân dân ta có quyền tin tưởng về một bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn. Những số liệu trên là những con số “biết nói” thể hiện quyết tâm và là kết quả hết sức quan trọng, chứng minh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đang đi đúng hướng. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn, toàn diện về vấn đề này.
Tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng mang tính xã hội. Do đó, nó tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực Nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng năm 2003 khẳng định: “Ngăn ngừa, và xóa bỏ tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu lỗ lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả”. Mặt khác, tổ chức Minh bạch quốc tế (AI) đã cho rằng tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Một số quốc gia có biểu hiện nguy hiểm khi tình trạng tham nhũng đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Brazil, Colombia, Malaysia; một số quốc gia thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng” đều theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo.
Vậy nên, việc các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí cho rằng tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, Nhà nước ta là phổ biến, là “căn bệnh kinh niên, nan y không thể chữa trị của chế độ độc đảng cầm quyền” hay đó là cuộc “đấu tranh, thanh trừng nội bộ giữa các phe phái”… là hoàn toàn sai trái. Đó là những quan điểm cố tình bôi đen, xuyên tạc nhằm làm sai lệch bản chất, ý nghĩa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, cố tình lấy cớ để chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân ngay từ bây giờ cần chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta./.

Quyết Thắng - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét