Trải qua hơn 77 năm xây dựng và phát triển, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vị thế trên trường quốc tế được nâng cao, song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức trong nội tại, trong đó tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hệ thống chính trị đã và đang là vấn đề nghiêm trọng. Tham nhũng, tiêu cực là “thù trong, giặc nội xâm” là yếu tố kìm hãm sự phát triển sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, gây bức xúc và làm xói mòn niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, với hệ thống chính trị và đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội ra sức tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.
Những năm qua, với quan điểm “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh này. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, công khai, minh bạch, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành một cách bài bản, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch đã lợi dụng các trang mạng xã hội và kênh truyền thông không thiện chí với Việt Nam để lan truyền những thông tin xuyên tạc, bóp méo tình hình chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Chúng cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay “chỉ là để mị dân”, hay “Đảng Cộng sản Việt Nam không thật sự quyết tâm chống tham nhũng”, “tham nhũng là sản phẩm của chế độ chính trị ở Việt Nam” và “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị một đảng cầm quyền”. Từ đó, chúng kêu gọi phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới có thể chống được tham nhũng. Tiêu biểu có bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế” đăng trên Đài Á Châu tự do ngày 24/06/2022 với nội dung xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó đưa ra “lời khuyên”: Việt Nam nên từ bỏ chế độ chính trị hiện hành để chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa mới chống được tham nhũng.
Những luận điểm kiểu này dễ làm cho người đọc lầm tưởng tham nhũng gắn liền với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa và do chế độ một đảng cầm quyền gây ra; từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và gây nên nguy cơ bất ổn về chính trị trong xã hội.
Cần phải khẳng định, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng. Thực tiễn, ở các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại; thậm chí một số nguyên thủ quốc gia (như ở: Tunisia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippin, Indonesia, Pakixtan, Brazil,…) cũng dính vào tội tham nhũng. Mới đây, Phó Tổng thống Argentina, 01 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu cũng bị cáo buộc dính vào tham nhũng. Nhìn vào bảng xếp hạng CPI năm 2021 (công bố đầu năm 2022) có thể thấy rất rõ quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng, bởi không có quốc gia nào đạt được điểm 100 (tức là không có tham nhũng). Những nước đứng đầu bảng xếp hạng CPI là Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand, cũng chỉ đạt 88 điểm, nghĩa là vẫn có tham nhũng. Còn những nước đứng cuối bảng là Somalia, Syria và Nam Sudan chỉ đạt từ 11 đến 13 điểm, đều là các nước theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Bảng xếp hạng còn cho biết trong 10 năm qua (kể từ năm 2012), 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI, trong đó có các nước như Australia, Canada và Mỹ. Điều đó cho thấy tham nhũng ở những nước này trong 10 năm qua có xu hướng gia tăng.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước đột phá, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Với cơ chế đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bài bản, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh này với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Để khắc phục những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện bước đi rất bài bản bằng việc ban hành và đưa vào tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện một cách quyết liệt, công khai, minh bạch. Nhờ đó, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã tăng hơn 30 bậc về chỉ số CPI, năm 2021 tăng 03 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2020. Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam là Hướng tới Minh bạch (TT) cũng khẳng định: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhờ nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước”.
Ở nước ta, mặc dù cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao; với tinh thần đấu tranh không “ngừng”, không “nghỉ” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét