Những ngày qua cộng đồng mạng xôn xao về việc Bộ phim tài liệu MH370: Chiếc Máy Bay Biến Mất “MH370 -The Plane That Disappeared” (là một bộ phim truyền hình tài liệu của Anh do Louise Malkinson đạo diễn) được chiếu trên Netflix (là một dịch vụ phát trực tuyến dựa trên gói đăng ký, cho phép các thành viên đã đăng ký tài khoản xem các chương trình truyền hình và phim trên một thiết bị có kết nối Internet) có nội dung không chính xác, cho rằng Việt Nam không hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370 (sự kiện Chiếc Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines chở 239 người cất cánh từ Kuala Lumpur ngày 08/3/2014, dự kiến tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cùng ngày).
Trước thông tin sai sự thật, xuyên tạc đó, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 06/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ việc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên phương án ứng phó, tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với Malaysia và các quốc gia mong muốn triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ các phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin. Những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận báo chí trong và ngoài nước ghi nhận (Việt Nam sau khi nhận tin chuyến bay MH370 mất tích đã điều lực lượng tìm kiếm gồm 10 tàu và 11 máy bay. Lực lượng Việt Nam trong hơn một tuần hoạt động trên khu vực rộng hơn 100.000 km2, song không phát hiện dấu vết của máy bay. Việt Nam sau đó dừng tìm kiếm và thông báo các lực lượng cứu hộ nước ngoài rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về vụ việc máy bay MH370).
Do đó, Việt Nam cho rằng việc bộ phim tài liệu MH370: Chiếc Máy Bay Biến Mất đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam bất bình. Đồng thời yêu cầu, Công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp.
Sau khi nghiên cứu các ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, ngày 11/4, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật trên bộ phim tài liệu nêu trên. Ngay trong ngày 12/4, Công ty Netflix đã báo cáo việc thực hiện rà soát các nội dung phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 mất tích và thực hiện gỡ bỏ toàn bộ tập 1 Bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” trên kho nội dung của Netflix tại Việt Nam.
Trước đó, Netflix từng gỡ nhiều phim sau khi cơ quan quản lý trong nước phát hiện các sai phạm. Tháng 10/2022, phim Hàn Little Women bị loại khỏi nền tảng tại Việt Nam vì xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Tháng 7/2022, sáu tập Pine Gap - series gián điệp - bị phản ánh có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Tháng 7/2020, phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) bị phát hiện có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Tháng 8/2020, phim Bà ngoại trưởng (Madam Secretary) vi phạm tương tự.
Vì doanh thu và lợi nhuận mà các Công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sử dụng đủ chiêu trò để kiếm tiền, mặc nhiên vi phạm quy định pháp luật của nước khác. Chúng ta là những khán giả thưởng thức món ăn tinh thần trên không gian mạng do đó chúng ta cần lên án, bài trừ cái sai, đi ngược lại nét đẹp văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, góp phần làm trong sạch thông tin trên môi trường mạng./.
Anh Bảy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét