Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Cảnh giác trước những suy diễn kệnh lạc trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Đảng ta và Nhà nước ta đã kiên quyết xử lý và bước đầu có kết quả nhất định được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưngxuất phát theo quy luật nhận thức của xã hội khi đứng trước hiện tượng tiêu cực dễ phát sinh nhiều suy nghĩ, ý kiến bi quan, lệch lạc. Những ý kiến suy diễn, lệch lạc, ba phải, cơ hội này dù đơn thuần là do thiếu hiểu biết hay do bản chất cơ hội, vụ lợi, nhưng vô hình chung đã tiếp tay cho các thế lực chống phá lợi dụng, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác, đấu tranh, xử lý.
Sau một số phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội nước ta, phần đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện trạng thái vui mừng, phấn khởi vì Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã nói được, làm được”, “đã kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên đã bắt được sâu mọt hại nước, hại dân”, “đã chặt các cành sâu mọt để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”,… Tuy nhiên, một số ít người trong nhân dân xuất phát từ sự thiếu thông tin hoặc nhận thức lệch lạc về các khía cạnh khác nhau của từng vấn đề về chính trị – xã hội, đã vội cho rằng “công tác nhân sự của Đảng từ Đại hội XII đến nay có nhiều vấn đề cần xem lại, nhất là khâu tuyển chọn cán bộ”, “đất nước có biểu hiện mất ổn định chính trị”, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã gây ra không khí ngột ngạt, bất an trong xã hội”, rằng có còn ai “bị phát hiện và bị truy tố, bị thi hành kỷ luật nữa không”, rằng “cán bộ các cấp sẽ không dám làm việc vì sợ khuyết điểm”…
Cũng có ý kiến băn khoăn vì sao đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều năm rồi mà vẫn chưa xong; vai trò, trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, của hàng trăm tờ báo, tạp chí ở đâu mà chỉ thấy Bộ Công an, Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc?
Sự suy nghĩ sai trái nêu trên là “mảnh đất mầu mỡ để cỏ dại mọc”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng “mượn gió bẻ măng”, “té nước theo mưa”, đẩy mạnh “sản xuất”, “chế biến tin giả” nhằm châm chích, kích động, xúi giục những phần tử bất mãn có thái độ, hành vi “phản ứng”, chống lại Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Thậm chí có phần tử cơ hội tỏ rõ quan điểm, thái độ, hành vi sai trái, phủ nhận chế độ XHCN ở nước ta; tung ra các chiêu trò đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “tự do, dân chủ, nhân quyền”; xuyên tạc thành quả đổi mới, bôi nhọ danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Do cách nhìn siêu hình, một số ít người “nghe đài địch”, đã học đòi, bắt chước, theo đuôi kẻ xấu, hùa theo các trào lưu “phi chính trị”, “phi đảng phái”, kích hoạt các hoạt động đòi xây dựng “xã hội dân sự”, kích thích sự phát triển của chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ ở phương Tây…. Hiện thực này đã “nối giáo cho giặc”, càng bị những kẻ xấu lợi dụng để thêu dệt, phao tin, đồn thổi và khuếch đại các hạn chế, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng của ta để từ “chuyện bé xé ra to”, gây tâm lý bất an cho xã hội.
Hành vi “đổ thêm dầu vào lửa”, “chọc gậy bánh xe” này, về bản chất đã gây ra sự nhiễu loạn thông tin, tạo ra các dư luận xã hội thiếu lành mạnh, dẫn đến việc quy chụp, quy kết, vu khống, buộc tội Đảng, Nhà nước ta “thiếu năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới”; làm cho một bộ phận người dân và số ít cán bộ, đảng viên hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã tỏ ra bức xúc, thiếu sự đồng thuận với Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu trong thời bình, chống “giặc nội xâm”; đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý vụ án, kỷ luật cán bộ sai phạm, cũng như việc tổ chức một số phiên họp bất thường, v.v..
Ai cũng biết rằng, bất cứ sự sai trái nào về đạo lý và pháp lý cũng không thể chấp nhận, đặc biệt là sự sai trái, lệnh lạc về quan điểm chính trị, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, tự biến mình thành kẻ “theo đuôi” bọn xấu, đồng lõa với bọn cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người này đang “đội lốt cán bộ, đảng viên”, về thực chất, đã thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Những cán bộ, đảng viên thuộc diện này trên thực tế chỉ lấy Đảng làm “bình phong”, ngụy trang, che đậy “điều xấu xa bên trong bản thân”. Họ đã hiện nguyên hình là kẻ cơ hội chính trị nên thường “ba phải”, dùng nghị quyết, đường lối làm “đồ trang sức”; có vụ việc biết nhưng không nói, không đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, ngại và sợ liên lụy đến bản thân và gia đình, “ngậm miệng ăn tiền”.
Về bản chất, họ đã vi phạm nhiều điểm trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hệ lụy do họ gây ra từ việc “bơm tin sai trái”, “cổ xúy” cho một số người dân, tạo nên sự bức xúc, bất bình với các hiện tượng tiêu cực xã hội ở địa phương, làng xã, khu phố. Họ không đủ bản lĩnh để nhẫn nhịn nên “có cơ hội” là “bùng phát” phản ứng tiêu cực, chống lại Đảng, Nhà nước theo dạng “nói bừa”, “nói lấy được” mặc dù không nắm chắc bản chất vụ việc, các vấn đề diễn ra ở Hà Nội, ở Trung ương và địa phương. Chiêu trò “rỉ tai nhau”, tán phát thông tin sai trái qua “nghe lỏm từ sự phao tin đồn thổi của kẻ xấu”, từ “quán nước vỉa hè” đến nghe và tin theo “đài, báo địch”, dẫn đến phát ngôn bừa bãi, nói xấu chế độ từ sự suy diễn, ngụy biện thật đáng trách, cần xử lý nghiêm theo pháp luật.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không chỉ “moi tin” mà còn chế biến các tin tức sai trái “chế tạo” thành các bài viết, video giả mạo để tung lên mạng xã hội với các luận điệu xuyên tạc, nói xấu chế độ “chống tham nhũng chỉ là hô hào khẩu hiệu” và cho rằng tham nhũng là bản chất, là hệ quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, cơ chế lãnh đạo độc đảng. Thông qua những luận điệu này, bọn chúng rắp tâm dựng nên một bức tranh “u ám”, làm rối loạn môi trường chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đất nước. Thực tế này đang diễn ra, ít nhiều gây khó khăn đối với việc quy tụ, tập hợp, khơi dậy và phát huy các nhân tố con người trong xây dựng “thế trận lòng dân”, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là ở các nơi có “điểm nóng”, địa bàn phức tạp.
Sự băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh của quốc gia – dân tộc, sự sống còn của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng ở một bộ phận người dân cũng là dễ hiểu nhưng đừng để bị dẫn dắt, bị lợi dụng thành kẻ tiếp tay chống phá đất nước, để rồi phải trả giá bởi luật pháp, nhất là ở bộ phận cán bộ, đảng viên, thành phần đáng lẽ phải gương mẫu, đi đầu chống lại mọi biểu hiện lệch lạc, sai trái…
V.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét