Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Ngày 06/7/2023 trong họp báo trả lời câu hỏi của đài Phượng Hoàng (Công ty truyền thông tư nhân tại Trung Quốc) về một số ý kiến cho rằng nguyên nhân sự việc ở Đắk Lắk có “yếu tố sắc tộc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Phạm Thu Hằng khẳng định và bác bỏ những ý kiến sai trái này, đồng thời khẳng định “Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, có tổ chức và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Trước đó, trong phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ ngày 22 đến ngày 23/6 về thực hiện chiến lược chống khủng bố, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ông Đặng Hoàng Giang đánh giá chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Đề cập tới sự việc xảy ra tại Đắk Lắk, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và người dân thường, đồng thời khẳng định các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm.
Đây là vụ phạm tội có tổ chức, có vũ trang và có sự giật dây từ các tổ chức phản động lưu vong... Hành vi gây án của các đối tượng rất manh động, thủ đoạn tàn độc, gặp ai giết người nấy, bất chấp thân phận của nạn nhân. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng đó, Cơ quan chức năng đã khởi tố các bị can về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm, tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Công an Đắk Lắk truy nã đặc biệt số bị can tham gia gây án đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ngoài ra, Cơ quan chức năng đã thu 23 khẩu súng, hai quả lựu đạn, gần 1.200 viên đạn, 15 kíp nổ, 1,2 kg vật liệu nổ, một bộ giảm thanh, hai ống ngắm, một bộ mô hình mìn huấn luyện, 30 dao, 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án.
Trước sự việc manh động này, cũng còn một số ít ý kiến thắc mắc, hoài nghi trong đó có đài Phượng Hoàng, cho rằng có hay không “yếu tố sắc tộc” trong vụ tấn công UBND xã tại tỉnh Đăk Lắk vừa qua: Như Bộ Ngoại giao đã thông cáo và bác bỏ những hoài nghi đó, thì người mỗi người dân chúng ta phải tin tưởng rằng:
Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Vấn đề dân tộc luôn có vị trí chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tộc người, hướng tới mục tiêu chung độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta đề ra một hệ thống giải pháp nhằm thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các tộc người, trong đó có sự quan tâm đến các dân tộc thiểu số, giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích giữa các dân tộc thiểu số, phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc, làm cho các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ và giúp nhau cùng phát triển, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Điều 5, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng khẳng định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc;3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.
Từ quan điểm, chủ trương nhất quán về vấn đề dân tộc, thông qua các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Thực tiễn sinh động đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đồng bào Tây Nguyên đã khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, đó là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển; đó cũng là minh chứng hùng hồn phản bác lại luận điệu xuyên tạc, vu khống về cái gọi là “người dân Tây Nguyên bị cướp đất”, “bị cô lập” của các thế lực thù địch và sự hoài nghi của một bộ phận về cái gọi là “yếu tố sắc tộc” trong sự việc tấn công trụ sở UBND xã tại tỉnh Đắk Lắk vừa qua.

Anh Bảy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét