Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC BẢN CHẤT PHẢN ĐỘNG CỦA CÁC “TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ” TỰ XƯNG

Hiện nay, các tổ chức phản động, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hướng tới một mục đích cuối cùng là làm sụp đổ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản, thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng đối với nước ta. Trong quá trình này, chúng đã mượn danh “xã hội dân sự (XHDS) như một công cụ quan trọng nhằm làm thay đổi, gây mất ổn định tình hình chính trị, là nguồn gốc, mầm mống tạo ra các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, bạo loạn lật đổ tại nhiều nơi. Vì vậy, cần đề cao cảnh giác, nhận diện đúng và vạch trần thủ đoạn chống phá nguy hiểm này.
Khái niệm “xã hội dân sự (Civil Society)” có nguồn gốc từ phương Tây, hiểu một cách phổ thông là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của người dân như: công đoàn, hợp tác xã, hội, nhóm v.v.. thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước. Đó là tổng thể các quan hệ và mạng lưới các tổ chức, hội, nhóm xã hội được hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, cùng với Nhà nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân, cá nhân, tổ chức thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích chính đáng của mình trên mọi lĩnh vực; trong đó, có việc tạo điều kiện cho ra mắt các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức công đoàn ngành và các tổ chức hiệp hội, các câu lạc bộ… hoạt động ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trên phạm vi cả nước hoặc ở một địa phương. Quá trình thành lập, hoạt động, các hội trên luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có tư cách pháp nhân, hoạt động công khai, hợp pháp. Về cơ bản, các tổ chức này đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là khả năng tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội tại cộng đồng hay nhóm xã hội cụ thể; tập hợp nguyện vọng đa dạng của các tầng lớp trong xã hội phản ánh đến Đảng và Nhà nước; trực tiếp đứng ra cung ứng một số dịch vụ xã hội do Nhà nước ủy quyền, hoạt động trong khuôn khổ quy định pháp luật. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng thiết lập các tổ chức xã hội đa dạng theo ngành nghề, lợi ích, nhu cầu, nhân đạo, hữu nghị, sở thích… và không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật để phát huy vai trò của các tổ chức này thật sự có ích cho xã hội, cho người dân.Mặc dù có những đóng góp lớn, tuy nhiên các hội này chưa bao giờ tự nhận mình là một “tổ chức xã hội dân sự” như một số tổ chức, cá nhân, hội, nhóm vẫn thường tự nhận trên các nền tảng mạng xã hội ngày nay.
Cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” tự xưng ở Việt Nam thời gian qua như: “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội bầu bí tương thân”, “Công đoàn độc lập”, “Mạng lưới blogger Việt Nam”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”,… thực chất là những hội, nhóm bất hợp pháp, chủ yếu là trên mạng Internet, không có tư cách pháp nhân; quá trình thành lập, hoạt động không tuân thủ các quy định của pháp luật về lập và quản lý hội. Điều đáng nói ở đây, một số đối tượng giữ vai trò cốt cán trong các “tổ chức xã hội dân sự” này từng có hoạt động vi phạm pháp luật, mà cụ thể là liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, đã từng bị các cơ quan chức năng xử lý nhưng không chịu tu dưỡng cải tạo mà tiếp tục hoạt động chống phá dưới vỏ bọc “xã hội dân sự” để che giấu bản thân. Trước đó, chúng ta đã xử lý một số đối tượng lợi dụng “tổ chức xã hội dân sự” để hoạt động chống phá như: Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Ngô Duy Quyền, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức…, với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 2009) và tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 2009); sau này là các đối tượng như: Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang, Bùi Tuấn Lâm, Võ Hoàng Thơ, Đặng Đăng Phước,… với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây số cốt cán trong các hội đã tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi dân chủ, nhân quyền: quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội… theo tiêu chí phương Tây, bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị nước ta… Thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân theo dõi, tham gia; sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho thành viên… Mặc dù hoạt động theo phương thức tự phát nhưng các hội nhóm này luôn có sự liên kết và có quan hệ, móc nối chặt chẽ với các tổ chức phản động trong và ngoài nước (như Việt Tân, VOICE, RISE, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Hội anh em dân chủ…), nhận được sự hỗ trợ về tài chính và tổ chức của các thế lực thù địch.Thông qua triển khai các chương trình, dự án viện trợ, tổ chức hội thảo, tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực… các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài được hậu thuẫn bởi các thế lực thù địch tìm cách tiếp xúc, móc nối, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhằm thúc đẩy hình thành, thành lập tổ chức “xã hội dân sự” theo hướng tách rời sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với âm mưu tổ chức “xã hội dân sự” được thành lập chỉ là vỏ bọc, thực chất là hoạt động vì mục đích chính trị, chống Đảng, Nhà nước ta. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các “tổ chức xã hội dân sự” tự xưng là vô cùng tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt; mục đích nhằm làm xấu đi hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam; xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức và quan trọng là phá vỡ sự ổn định về chính trị của đất nước. Một điểm nổi lên trong thủ đoạn chống phá của các hội, nhóm này là chúng mượn cớ “phản biện xã hội”, “kiểm soát quyền lực”, mượn danh đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”; sử dụng những luận điệu cho rằng “Đảng, Nhà nước Việt Nam ngăn cản, bóp nghẹt quyền tự do cá nhân” và đòi hỏi “chính quyền cần mở rộng tự do dân chủ, quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận giống như các nước phương Tây”. Tuy nhiên, số này lại quên rằng, dù ở bất kỳ quốc gia nào thì các hội, nhóm vẫn không được đứng ngoài pháp luật, phải tuân thủ các quy định pháp luật nước đó, không có trường hợp nào là ngoại lệ.
Như vậy thời gian tới, để góp phần đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các “tổ chức xã hội dân sự” tự xưng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, về lập hội và quản lý hội; đồng thời, công khai vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng núp bóng, lợi dụng cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” để chống Đảng, Nhà nước… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực đấu tranh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Định hướng cho các “tổ chức xã hội dân sự” đích thực hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, đặc biệt là quản lý các hội, nhóm trên Internet, chủ động phát hiện sớm và ngăn chặn xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa “hoạt động xã hội dân sự” để thực hiện những hành vi, hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, làm xấu đi hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, bình đẳng… trong mắt bạn bè quốc tế./.
N.L.G (VH)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét