Thời gian qua, trên mạng xã hội đang nổi lên thuật ngữ “truyền thông bẩn” xuất hiện ngày càng thường xuyên, kéo theo đó là hàng loạt ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng. Từ những “chiêu trò” như tung tin giả, sai sự thật, bịa đặt…nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở pháp luật, ngang nhiên xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân để trục lợi. Trước đây, khi chưa có mạng xã hội, truyền thông thường chỉ được khai thác qua báo chí chính thống và lệ thuộc vào các quy định liên quan. Nhưng hiện nay, khi các trang mạng xã hội xuất hiện ngày một nhiều, truyền thông cũng phát triển một cách tự do. Nhờ đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động hơn, có nhiều phương thức hơn để truyền thông cho mục tiêu riêng của mình.
Truyền thông bẩn thường được sử dụng để gây tranh cãi hoặc tác động đến tư tưởng, hành vi của công chúng. Các ví dụ về truyền thông bẩn điển hình là tin tức giả mạo, thông tin sai lệch, chủ đề gây tranh cãi không có căn cứ, thông tin vi phạm đạo đức và quyền riêng tư của người khác. Việc lan truyền thông tin sai lệch và không minh bạch có thể gây ra sự hiểu lầm, tạo sự tò mò, cảm xúc tiêu cực và ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của đời sống, xã hội. Do đó, việc giám sát, ngăn chặn truyền thông bẩn là rất quan trọng.
Đơn cử như thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, loạt tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc một số doanh nghiệp ngoài nhà nước là các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán bị thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán đã gây hoang mang cho nhà đầu tư. Điều này khiến cổ phiếu các doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số công ty đã có thông cáo báo chí để đính chính, trấn an các cổ đông, nhà đầu tư về tin đồn này nhưng cổ phiếu của các công ty này vẫn theo đà tiếp tục giảm mạnh.
Một ví dụ khác về truyền thông bẩn vào năm 2023, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo đó, một clip ngắn đã được lan truyền nhanh chóng chỉ sau một đêm trên Facebook, Twitter với nội dung, cô gái đi học nghĩa vụ quân sự ở một trường quân đội đã bị 12 học viên trường này cưỡng bức và tự sát không thành. Điều này khiến cả cộng đồng hoang mang, mất đi lòng tin với quân đội; hàng ngàn bài viết được đăng tải với mong muốn lấy lại công bằng cho cô gái. Những kẻ phản động tận dụng thời cơ lan truyền thông tin giả, nhằm chống phá nhà nước. Nhưng đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật và được lan truyền mạnh mẽ bởi những kẻ chống phá Nhà nước. Dù thông tin đã được bác bỏ, người đăng clip đã đứng lên xin lỗi trên truyền hình, nhưng những hệ lụy vẫn còn kéo dài về sau. Không ít kẻ phản động tuyên truyền rằng “thông tin đã bị bẻ cong, giấu diếm”.
Hay mới đây liên quan đến thiên tai, bão lũ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, nhiều tài khoản người dùng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… xuất hiện loạt tin đồn miền Nam chuẩn bị có đợt mưa bão nguy hiểm không kém cơn bão Yagi đã gây nhiều thiệt hại cho miền Bắc. Tuy nhiên, hầu hết những tài khoản trên đều lấy thông tin không rõ nguồn gốc hoặc hình ảnh những hiện tượng tự nhiên từng xuất hiện tại Nam Bộ đã có từ các năm trước rồi thêu dệt thêm làm sai lệch sự thật khiến dư luận hoang mang. Đơn cử như tài khoản TikTok “Ven7389 Mộc Sơn Cấm” đăng tải nhiều clip sai sự thật, lấy hình ảnh không rõ nguồn gốc hoặc những hiện tượng tự nhiên từng xuất hiện tại Nam Bộ rồi thêm thông tin sai sự thật.
Việc xử lý “truyền thông bẩn” và nhất là những cá nhân tự cho mình có quyền lực trên không gian mạng không chỉ đòi hỏi sự kiên quyết của các cơ quan pháp luật, mà còn cần thái độ công bằng, đạo đức, trách nhiệm của người tiếp nhận thông tin. Những nội dung truyền thông “thực dụng”, “bẩn”, vô giá trị còn tác động nghiêm trọng đến đạo đức, nhân cách của người tiếp thu, đặc biệt là những đối tượng trẻ em, trẻ vị thành niên. Chính vì vậy cần có sự kiểm soát chặt chẽ và biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa để loại bỏ những nội dung phản cảm, vô văn hóa, vô đạo đức trên các nền tảng phương tiện truyền thông. Và đặc biệt cần sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ của công chúng trước những nội dung “bẩn” để góp phần trả lại sự trong sạch, tin cậy và giá trị cho truyền thông.
TIẾN CÔNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét