Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

CẦN HIỂU RÕ HƠN VỀ “HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THIẾT YẾU” VÀ “CÁC TRƯỜNG HỢP THẬT SỰ CẦN THIẾT” KHI RA NGOÀI THEO CHỈ THỊ SỐ 16

Chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người, dịch bệnh Covid-19 đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, quyết sách huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh… Ngày 17/7/2021, Thủ Tướng Chính phủ ban hành Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại 19 tỉnh thành theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến 6h ngày 24/7/2021, Việt Nam ghi nhận 86.957 ca nhiễm, 15.536 ca khỏi bệnh, 370 ca tử vong, dự báo trong thời gian tới nếu không kiểm soát tốt số ca lây nhiễm trong cộng đồng sẽ tiếp tục gia tăng.
Việc áp dụng và thực hiện Chỉ thị 16 yêu cầu phải đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà hạn chế ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Tuy nhiên, để hiểu và thực hiện cho đúng như thế nào là “thật sự cần thiết” hay thế nào là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” tránh xảy ra những chuyện dở khóc, dở cười như “đưa mèo đi khám bệnh”, “đi qua nhiều phường chỉ để mua bắp luộc” hay chuyện “bánh mì không phải thực phẩm”… đã có nhiều văn bản luật và dưới luật đã giải thích về các thuật ngữ nêu trên nhưng chúng nằm rãi rác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Quy chung lại, chung ta cần nắm rõ một số nội dung cơ bản sau:
Khoản 3, Điều 4, Luật giá (Luật số 11/2012/QH13, ngày 20/6/2012) quy định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Cũng tại Bộ Luật này, Điều 15 quy định hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như sau:
“1. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: a) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; b) Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: a) Xăng, dầu thành phẩm; b) Điện; c) Khí dầu mỏ hóa lỏng; d) Phân đạm; phân NPK; đ) Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; g) Muối ăn; h) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; k) Thóc, gạo tẻ thường; l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật…”
Ngoài ra, ngay sau khi ban hành Chỉ thị số 16, ngày 03/4/2020 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2610/VPCP-KGVX hướng dẫn thực thực hiện, tại mục 1 Công văn có đề cập “các trường hợp thật sự cần thiết” khi ra ngoài như:“Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này”. Đồng thời, khi đi ra ngoài yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Chính vì vậy, theo chỉ thị này, nếu người dân ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng về hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Thực tế, đã có nhiều người bị xử phạt do ra đường đi mua những hàng hóa hay thực hiện các dịch vụ không thiết yếu.
Có thể thấy hệ thống các văn bản luật và dưới luật quy định khá cụ thể và rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng như những trường hợp cần thiết khi đi ra ngoài theo Chỉ thị số 16. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện một số cá nhân cố tình không hiểu, hoặc hiểu không đúng các quy định cũng như chưa ý thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên đã có những hành vi, việc làm không phù hợp. Do đó khi bị phát hiện, họ đã bất chấp “phản kháng”, thậm chí chống đối lại lực lượng chức năng tạo ra dư luận tiêu cực trong việc chấp hành và thực hiện các quy định phòng, chống dịch.
Thay vì dành thời gian lướt Facebook, xem phim, tám chuyện… mọi người hãy dành ra ít phút nghiên cứu tìm hiểu và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và khuyến cáo của Bộ Y tế nhất là quy định “5K” sẽ là việc làm thiết thực, hiệu quả không chỉ giúp chính mình mà còn nâng cao ý thức của mỗi người trong đẩy lùi dịch bệnh. Mọi người cần phải nâng cao nhận thức, hiểu rõ tính chất nguy hiểm, mức độ lây lan của dịch bệnh để có những động thái, hành vi ứng xử cho phù hợp, việc xử phạt 1 hay 3 triệu đồng chỉ để làm mọi người cảnh tỉnh, nhưng ý thức ở mỗi người mới điều quan trọng để giúp chúng ta chiến thắng đại dịch.
Quang Minh - tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét