Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành ngày 01/10/2022

Ngày 15/8/2022 vừa qua Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP gồm 06 Chương, 30 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022. Ngay tại Chương I về Quy định chung của Nghị định đã thể hiện rất rõ về phạm vi điều chỉnh đối với các biện pháp bảo vệ an ninh mạng: Thẩm định an ninh mạng; đánh giá điều kiện an ninh mạng; kiểm tra an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng; yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền…
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là môi trường không biên giới như không gian mạng là một lĩnh vực tương đối mới so với những quy định trong khung pháp lý của chúng ta. Do đó, sự ra đời của Luật An ninh mạng là vô cùng cần thiết, cùng với đó là Nghị định của Chính Phủ về hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng đã giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, để thích ứng với sự phát triển của công nghệ và cách sử dụng thuậtngữ chuyên ngành trên môi trường không gian mạng là không dễ đối với một bộ phận người dân chúng ta, do đó để giúp cho mỗi người dân có sự nhận thức rõ ràng, chi tiết thì tại Điều 2 về giải thích từ ngữ đã nêu cụ thể vấn đề này: Dữ liệu về thông tin cá nhân là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự để xác định danh tính một cá nhân; Dịch vụ trên mạng viễn thông là dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông theo quy định của pháp luật; Dịch vụ trên mạng Internet là dịch vụ Internet và dịch vụ cung cấp nội dung trên nền internet theo quy định của pháp luật…
Theo đánh giá của các nhà chuyên gia thì tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Đây là một thách thức không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc quản lý hiệu quả không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng nhằm hạn chế tối đa những mặt trái, đồng thời phát huy mặt tích cực, khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Điều đáng quan tâm này đã được Nghị định quy định rất rõ, cụ thể đối với trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể, trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm: Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật. Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin…
Thời gia qua, việc người dùng sử dụng vô số các dịch vụ, ứng dụng xuyên biên giới đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó thì tại Chương V, Điều 26 của Nghị định này đã quy định rất rõ về lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại việt nam, cụ thể: Dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam (Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra; Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam); Việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài; Trình tự, thủ tục đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam được thực hiện theo các quy định của pháp luật về kinh doanh, thương mại, doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan; Các doanh nghiệp không chấp hành quy định tại Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể nói sự ra đời của Luật An ninh mạng là một trong những bảo đảm quan trọng và là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cùng với đó Chính phủ ban hành Nghị định số 53/NĐ-CP, ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng để thực thi Luật có hiệu quả, cả hai chính là vũ khí pháp lý để ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, xâm hại, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân./.
Anh Bảy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét