Nếu tặng quà là một môn nghệ thuật, người tặng chính là một người nghệ sĩ, khi dung hoà được mọi yếu tố.
Theo truyền thống, Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam hàng bao đời nay. Bên cạnh nhành hoa mai, hoa đào tươi thắm, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, những món quà đầu năm đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu vào mỗi độ Tết đến xuân về.Đây không chỉ là thời điểm những người con xa quê trở về nhà sau một năm đi làm ăn xa, lập nghiệp mà còn là thời điểm chúng ta dành cho nhau những lời chúc yêu thương, trấn trọng về một năm qua đi đã luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng nhau.
Quà tết xưa nay vốn là một nét văn hóa của người Việt và hoạt động tặng quà Tết đầu năm vốn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là một cách để thể hiện tình cảm, sự trân trọng, tôn kính, lời cảm ơn đối với người được nhận. Trước đây quà tết mang ý nghĩa tinh thần là chính, người ta biếu nhau món quà, giá trị vật chất không cao như chai rượu, hộp bánh, hộp mứt, con gà hoặc những sản vật mà mình tăng gia sản xuất được để cảm ơn, tỏ lòng tri ân, kính trọng những người đã giúp đỡ. Thế nhưng, không biết từ bao giờ nét đẹp thuần phong, mỹ tục này đã bị biến tướng, nhuốm màu thực dụng trong cuộc sống hiện đại.
Bây giờ, người ta biếu quà cho nhau nhiều khi không hẳn là quý mến mà nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực trông thấy cho cả người đi biếu lẫn người được tặng. Tuy những món quà biếu tặng Tết cho lãnh đạo bề ngoài có thể đi bằng con đường truyền thống và lễ nghi của dân tộc nhưng bên trong lại ẩn khuất, đan xen rất phức tạp của các mối quan hệ về lợi ích kinh tế, chính trị chứ không đơn thuần là các thao tác mang dáng dấp hình thức của cộng đồng văn hóa.Người ta có thể biếu nhau từ những chiếc bánh trung thu bên trong chứa vàng, đến biếu tặng vali tiền USD. Người ta lợi dụng các dịp Lễ, Tết để biếu quà, nhưng thực chất là để hối lộ. Kiểu biểu tặng xấu xí này được định danh là “biếu xén”, vì đi “biếu” thì phải “xén”.
Phải khẳng định lại, không phải ai tặng quà cũng vì ý đồ xấu cả. Nếu bằng cái tâm, bằng tình cảm đặc biệt của mình với người mình yêu quý thì thiếu gì cách để thể hiện. Đôi khi người ta chỉ cần đến với nhau bằng tình cảm chân thành cũng là điều rất đáng quý trọng. Công luận chỉ lên án biếu xén theo kiểu “ông mất chân giò, bà thỏ chai rượu” để tạo thành những chuỗi cộng sinh, cùng hô biến tài sản của đất nước, của Nhân dân thành tài sản của cá nhân, của “nhóm lợi ích” thì đáng lên án, phải “xóa sổ".
Thế nên, việc “nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức” theo Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướngđược dư luận rất ủng hộ và mong muốn thực hiện nghiêm, đó là Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo có ý nghĩa bức thiết hơn cả.Đó là những chỉ dẫn, cảnh báo có sức răn đe và mang tính giáo dục đối với mỗi cán bộ, đảng viên trước những “viên đạn bọc đường” trong quá trình tham chính.
Có thể nhìn thấy, trong thời gian gần đây nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị điều tra, đưa ra xét xử cho thấy những vấn đề tưởng chừng như thông thường, giản đơn như biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo đã đi đến gần sát với thực tiễn cuộc sống, với đời tư của văn hóa và chính trị. Chúng ta có thể thấy thông qua đây nó chỉ điểm, minh chứng và phô bày những đường đi, góc khuất mà những món hời của tham nhũng ở vĩ mô, ở cấp độ chính sách có khởi sự ít nhiều từ yếu tố quà cáp và nó như “kẻ mở đường” cho các vết trượt dài, lún sâu của một số cán bộ lãnh đạo trong quá trình điều hành và quản lý công vụ.Thực tiễn cho thấy, những lãnh đạo bản lĩnh có tài, đức đều tránh đưa mình vào những tình huống và tư thế khó xử. Bằng nhãn quan, tầm nhìn trong quá trình tham gia chính trường, họ chủ động khước từ những lời đề nghị, quà biếu. Bởi họ hiểu rõ rằng những thứ ấy nếu như “gần, chạm và sử dụng” nó thì tương lai sẽ đối diện với các vấn đề chằng chéo, đan xen, cài đặt lợi ích từ các lực lượng hữu hình và vô hình. Rõ ràng là chúng ta cần nhiều những nhà lãnh đạo chủ động không đưa mình vào các tình thể chịu nhiều sức ép như vậy.
Quay trở lại vấn đề về nêu cao tính gương mẫu của người cán bộ mà hiện nay Đảng ta đang khởi xướng vẫn là cái gốc của mọi sự việc, hiện tượng. Khi người cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự nêu gương và chính trực thì đã hình thành cho mình bức tường thành khó lay đổ, xuyên thủng mà các tác nhân, lực động của những viên đạn bọc đường có ý định muốn xuyên qua.
Quà biếu Tết dù có đi bằng hình thức nào, bằng con đường nào thì sự gương mẫu của người lãnh đạo đối với người thân, thư ký và cán bộ của cơ quan dưới quyền thì nó rất khó lọt qua các lớp lang như vậy. Thực tế cho thấy, các lực lượng mang tính chất quà biếu thiếu trong sáng, lợi dụng Tết như là dịp để trả ơn, chờ thời, tác động... đều phải tiến công vào các vòng vây để tiệm cận tới “nhân vật chính”.
Để ngăn chặn những biến tướng tiêu cực trong biếu tặng quà tết, ngoài sự ngăn cấm của Chỉ thị trong Đảng, của Thủ tướng Chính phủ thì còn có một lối chặn bên trong là đạo đức người cán bộ.Đó chỉ có thể là sự gương mẫu, chuẩn mực của người đứng đầu. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp linh tính, độ nhạy tinh thần bên trọng của nhà chính trị mách bảo họ khước từ cũng như chủ động giữ một khoảng cách tương đối không gần với các lực lượng mang tính chất gợi quà, biếu tặng trong dịp Tết hàng năm./.
V.H (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét