Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Mỗi công dân cần hiểu về quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Bầu cử là quá trình các cử tri của cả nước đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của đất nước. Ở nước ta, các cuộc bầu cử có tính chất pháp lý rất quan trọng: là một khâu thiết yếu để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương; là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Bầu cử ở nước ta gồm bầu cử Quốc hội (ở trung ương) và bầu cử HĐND các cấp (ở địa phương). Quyền bầu cử và ứng cử là quyền chính trị quan trọng bảo đảm cho công dân có thể tham gia vào việc thành lập ra những cơ quan quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam công dân Việt Nam có quyền bầu cử và ứng cử vào hai cơ quan đại diện quyền lực nhà nước của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được quy định rõ tại các Điều 27, 28, 29 Hiến pháp 2013. Điều 27 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện quyền này do luật định”. Điều 28 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (Khoản 1); đồng thời nêu rõ “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Khoản 2)… Đồng thời, Hiến pháp quy định công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), thể hiện tầm quan trọng của quyền biểu quyết nói riêng và quyền của người dân được bày tỏ chính kiến, tham gia đóng góp ý kiến đối với Nhà nước. Các quy định trên của Hiến pháp đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm cho công dân được thực sự tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Ngoài Hiến pháp 2013, quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội còn được quy định tại nhiều văn bản luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra... và các văn bản khác có liên quan. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 25-6-2015 đã tạo khung pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Luật bầu cử quy định rõ việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú... đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp. Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều có quyền như nhau khi tham gia bầu cử, ứng cử, không có phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào.
Do đó, đối với mỗi người Việt Nam, việc được đi bầu cử và thực hiện quyền bầu cử của mình là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm với đất nước. Nhà nước ta luôn tôn trọng và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để mọi công dân thực hiện tốt nhất quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Nhận thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình chính là trách nhiệm xã hội lớn lao của mỗi công dân.
L.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét