Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Điều lệ Đảng do Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI thông qua đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ Nam cho mọi hành động. Vì vậy, có thể nói bảo vệ nền tảng tư tưởng tức là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay từ khi ra đời và trong quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, coi việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là vấn đề cấp bách và đặt biệt quan tâm, vì đấu tranh cũng chính là một biện pháp bảo vệ và trong quá trình đó, nền tảng tư tưởng của Đảng được khẳng định và phát triển. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết đã chỉ ra bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước… Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tình hình hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay Việt Nam có trên 65 triệu người dùng internet, chiếm 68% dân số cả nước cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 Châu Á. Với đặc điểm nổi bật là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẽ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người, tác động trực tiếp và phần nào làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đây cũng chính là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta với dã tâm thâm độc là tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thông tin, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc phổ biến của các đối tượng chủ yếu tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin: Sự công kích, chống phá diễn ra ngày càng quyết liệt khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ XX. Nhiều nhà lý luận tư sản đã xây dựng hệ thống lý thuyết tấn công vào những nguyên lý của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin; cho rằng chúng đã lỗi thời, thậm chí là những câu chuyện tiếu lâm chính trị nhằm bôi xấu chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hai là, phủ nhận hoặc tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh: Một mặt các thế lực thù địch cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng, mặt khác là tuyệt đối hóa, đề cao, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin không phù hợp với Việt Nam, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới là chân lý, là chân chính, mới có đủ khả năng dẫn đắt con đường cách mạng Việt Nam. Cần phải khẳng định, cả hai khía cạnh này đều là nhận thức lệch lạc, sai lầm. Bởi chúng ta hiểu, tư tưởng Hồ Chí Minh là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Ba là, chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó tập trung vào một số nội dung như đòi “tam quyền phân lập”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tấn công vào nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đòi thực hành dân chủ theo kiểu “dân chủ tư sản”, hồ hởi với những khái niệm mới, cách tiếp cận mới; tuyệt đối hóa quyền con người, tách quyền con người ra khỏi trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân; tấn công, bài xích những chủ trương chống tham nhũng của nước ta; thổi phồng, bóp méo những tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tình hình hiện nay.
Bốn là, chúng phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay. Chúng nói xấu, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ của Đảng, các anh hùng cách mạng, những người đã trở thành tấm gương thôi thúc nhiều thế hệ người Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập.
Về phương thức, thủ đoạn, chúng thường dùng những tin, bài, hình ảnh trên các báo chí chính thống sau đó viết, chỉnh sửa lại theo hướng tiêu cực gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong xã hội về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; dàn dựng các video clip sai sự thật, cổ xúy cho những quan điểm sai trái thù địch; lợi dụng các tiện ích mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo, Viber…) để đăng, chia sẻ những thông tin sai trái trên không gian mạng. Điều này thu hút sự quan tâm của người đọc, tạo cảm giác nửa tin, nửa ngờ và nếu không tìm hiểu sẽ bị tác động bởi những thông tin xuyên tạc này.
Đây chính là âm mưu, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần phải hết sức thận trọng, cảnh giác với những loại thông tin này, không chia sẽ, tán phát những thông tin phiến diện, chưa được kiểm chứng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Do vỏ bọc của các thông tin này là gắn với những chi tiết, sự kiện, cá nhân có thật nên người xem có thể dễ dàng tin theo mà không nhận ra các ẩn ý bên trong hoặc không nhận thức được khả năng bị xuyên tạc, bóp méo… Chính vì vậy, khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phải hết sức cảnh giác trước những luận điệu này./.
Xanh Huế - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét