Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Thận trọng trước sự “nhiễu loạn” thông tin

Mạng xã hội có mặt tích cực là giúp thông tin được chia sẻ nhanh chóng, rộng rãi tới mọi người. Tuy nhiên, không ít thông tin thiếu kiểm chứng, phản ánh sai sự thật trên mạng xã hội cũng đã và đang gây ra nhiều hậu quả, tạo nên sự hoang mang, bất an cho dư luận, cộng đồng. Thời gian qua trên các trang mạng xã hội có nhiều trường hợp đăng tải, chia sẻ các văn bản cáo cáo nhanh và chỉ đạo của cơ quan nhà nước về những người thuộc diện phải cách ly hoặc truy vết đã gây hoang mang cho người dân cũng như sẽ làm khó khăn cho việc truy vết. Từ một chiếc điện thoại được kết nối mạng, có khả năng chụp ảnh với độ phân giải tương đối tốt, mỗi người dân đã trở thành “thông tin viên” và nhiều “Facebooker” với số lượng bạn bè trực tuyến, lượng “follow - theo dõi” đông đảo lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn người đã thực sự có ảnh hưởng tới dư luận.
Mạng xã hội cũng gây ra nhiều vụ việc “dở khóc dở cười”, thậm chí đã gây ra không ít các vụ “khủng hoảng truyền thông”, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng người dùng mạng xã hội sử dụng các thủ thuật như: cắt ghép, dàn dựng hoặc lấy những thông tin ở nơi khác về... gán cho sự kiện trong nước. Hoặc, trước những sự việc, hiện tượng, mặc dù chưa có kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, song đã vội vàng quy chụp, làm thay chức năng của cơ quan chuyên môn, kết luận, định hướng dư luận theo ý của mình. Chính những thông tin đầy cảm tính hoặc đôi khi được đưa ra với chủ đích nào đó của mạng xã hội đã khiến dư luận thêm bất ổn, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đời sống nhân dân. Điển hình như vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện văn bản nêu lịch trình di chuyển 01 trường hợp tiếp xúc F1 với người nhiễm Covid-19 cho rằng người này đi karaoke và có “tay vịn”. Ngay khi hình ảnh văn bản trên được đăng lên mạng xã hội, đã có hàng chục nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Hôm sau, nhiều người mới “ngớ người” khi được Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam công bố hình ảnh văn bản trên là giả mạo và không có bệnh nhân COVID-19 đi hát karaoke “tay vịn” như thông tin lan truyền.
Do đó, để tiếp nhận thông tin một cách chính xác mỗi người cần dân bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo, tỉnh táo trước những thông tin sai trái gây ra. Đặc biệt, cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do cá nhân, phần tử xấu lập ra. Khi tiếp nhận được những thông tin tiêu cực, gây sốc trên mạng xã hội, hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận, phát tán. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực khi tham gia mạng xã hội, luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, không rõ nguồn gốc.
Dù gây ra nhiều hệ lụy khó lường, song vẫn phải khẳng định mạng xã hội là một “thế lực” đang tồn tại, có sức ảnh hưởng lớn. Ở góc độ tích cực, mạng xã hội giúp mọi người có thêm những nguồn thông tin đa chiều, để hiểu thêm về thực tế đang diễn ra của xã hội. Đối với các cấp chính quyền, đây là một trong những nguồn tin để có thể tham khảo, xem xét nhằm nâng cao năng lực quản lý, giúp xã hội ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thông tin từ mạng xã hội đều mang giá trị chân thật. Vì vậy, việc sàng lọc, thẩm định, bình tĩnh suy xét khi tiếp xúc với những nguồn thông tin này là hết sức cần thiết.
L.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét