Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Biền, đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển, đường sông để tấn công xâm lược nước ta. Những chiến công hiển hách của cha ông ta trên chiến trường sông biển đã minh chứng: Ba lần đại thắng quân thù trên sông Bạch Đằng (năm 938, 981 và 1288); chiến thắng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt 1077; chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 và những chiến công vang dội của quân và dân ta trên chiến trường sông biển trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những minh chứng, ghi đậm dấu ấn không bao giờ mờ phai trong lịch sử dân tộc.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Khẳng định của Người không chỉ thôi thúc cả dân tộc ta quyết tâm đánh bại đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc mà còn đặt trách nhiệm cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay phải biết chăm lo phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và xây dựng phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc phát huy lợi thế về biển, kết hợp với phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vị trí rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Với vị trí “đắc địa” nêu trên, biển , đảo Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về kinh tế, chính trị - xã hội: Vùng biển Việt Nam là con đường thông thương hàng hải và hàng không huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Ngoài ra sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc một cách nhanh chóng và thuận lợi. Cùng với đất liền, vùng biển nước ta là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên (sản lượng khoảng sản, hải sản rất phong phú và đa dạng) và là một thị trường có sức mua khá lớn, một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động bền vững trong khu vực và thế giới với các ngành kinh tế mũi nhọn như: thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch,… Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, thuận lợi cho việc đặt vị trí xây dựng các trạm thông tin, kiểm soát không lưu, hàng hải, dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu, thuyền,... trên tuyến hàng hải này và có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trên hướng biển. Chính vì vậy, đây cũng chính là nơi hấp dẫn các thế lực đế quốc bành trướng với nhiều tham vọng và nhạy cảm trước các biến chuyển trong đời sống chính trị thế giới.
Về quốc phòng - an ninh: Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay, trên Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp biển, đảo rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, tác động đến quốc phòng và an ninh nước ta. Trên Biển Đông, vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển 7 nước trong khu vực là: Trung Quốc (phía Bắc), Cam-pu-chia và Thái Lan (Tây Nam), Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây (phía Đông, Đông Nam và Nam), nơi đây đang diễn ra những tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, đẩy tới xu hướng tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của các nước trong khu vực, nhất là những nước có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự tận dụng ưu thế của mình trên biển đe dọa chủ quyền trên vùng, biển, đảo, thềm lục địa của nước ta, gây ra những nhân tố khó lường về sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh đất nước. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Do đặc điểm lãnh thổ đất liền nước ta có hình chữ S, trải dài ven biển từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp, nên chiều sâu phòng thủ đất nước bị hạn chế. Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển không lớn, nên rất dễ bị địch tấn công từ hướng biển. Tuy nhiên, nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng thành những căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của lực lượng Hải quân Việt Nam và sự tham gia của các lực lượng khác thì biển đảo có vai trò quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.
Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn phù hợp trong điều kiện hiện nay mà Đảng ta đã xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Việt Nam là một quốc gia có biển, một nhân tố mà thế giới luôn xem như một yếu tố đặc lợi, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Tuy nhiên cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên biển để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển đảo, nhất là ở vùng biển xa. Để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam phải phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó một lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn vùng biển nói riêng và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nói chung. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thực sự trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, mở ra triển vọng thúc đẩy sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, các nước trong khu vực, xây dựng một cộng đồng nhiều quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng. Đồng thời, Nhà nước ta cần phải xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc./.
An Tay - Tong hop

0 nhận xét:

Đăng nhận xét