Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Cảnh giác trước những nguy cơ từ mạng xã hội tiktok

Năm 2016, TikTok ra mắt người dùng tại Trung Quốc với cái tên Douyin (Công ty mẹ là Bytedance). Ngay lập tức, mạng xã hội này chiếm lĩnh được thị phần và vượt qua một số đối thủ nhờ những trải nghiệm mới thú vị thông qua các nội dung video ngắn đa dạng, đặc sắc tới người dùng. Tại Việt Nam, mạng xã hội TikTok xuất hiện từ tháng 4/2019, và cũng nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng được yêu thích nhất, với khoảng 50 triệu tài khoản sử dụng thường xuyên. Mạng xã hội này có cách thức hoạt động khá đơn giản là trình chiếu các video ngắn từ vài giây đến 60 giây. Đây là một ứng dụng được khá nhiều người ưa thích bởi tính tự do phát triển, sáng tạo nội dung số; tạo ra cơ hội kinh doanh, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cho các cá nhân, doanh nghiệp, để quảng cáo sản phẩm và kết nối với nhóm khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng, hiệu quả… Tuy nhiên, ứng dụng mạng xã hội TikTok cũng phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường mạng Việt Nam.
Mới đây, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm của TikTok. Trong đó nhấn mạnh tới sự phát triển nhanh chóng của TikTok không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng, cụ thể: “Từ năm 2022 đến nay, nền tảng TikTok có nhiều nội dung chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật. TikTok còn sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, người dùng. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả dẫn đến tình trạng nhiều hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên TikTok shop”.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, với mức độ tăng trưởng người dùng chóng mặt, ở mỗi quốc gia, mạng xã hội này được xây dựng với những mục đích chính trị, chiến lược, chủ đề khác nhau.“Ngoài những mục đích trên, còn có mục đích ẩn chứa đằng sau mà mức độ xấu, độc của TikTok rất khó cảm nhận bởi nó không thể hiện ra ngay mà cần có sự phân tích về các tầng nấc văn hoá, tầng nấc giá trị mới thấy được tác hại của nó về lâu dài. Giống như tác hại của các hoá chất độc hại trong thực phẩm, người dùng không chết ngay, mà ngấm dần và phát sinh bệnh tật, dẫn đến huỷ hoại dần nguồn nhân lực quốc gia”.
Nhận định thêm về cơ hội cũng như những thách thức đang đặt ra cho TickTok, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Kỹ năng mềm Trường Đại học Công Nghệ TP.Hồ Chí Minh, cho biết nếu nhìn nhận một cách khách quan, việc sử dụng mạng xã hội có sự phát triển so với quá khứ như một con dao hai lưỡi. Cụ thể, đây không đơn thuần là công cụ giải trí, tiếp cận thông tin mà còn là nền tảng để cá nhân có thể xây dựng thương hiệu, kiếm tiền.“Bên cạnh đó, số lượng bài đăng, tuyên truyền, video giải trí, bán hàng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cũng tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nếu không có cơ chế kiểm duyệt hiệu quả thì những sản phẩm “rác” có thể ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là trẻ dưới 18 tuổi. Ngoài ra, việc quảng bá cho những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ gây hại đến sức khỏe của người mua các sản phẩm đó”.
Từ những nguy cơ mà mạng xã hội Ticktok tạo ra, hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu coi các công ty công nghệ, viễn thông Trung Quốc là những công cụ giám sát kỹ thuật số trá hình của Chính phủ Trung Quốc triển khai trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn tình trạng trên, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động của các nền tảng mạng xã hội, tăng cường trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong việc quản lý nội dung trực tuyến, góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hạn chế hành vi lợi dụng quyền công dân để đăng tải, tuyên truyền thông tin độc hại, gây mất an ninh, trật tự, xâm phạm ANQG trên không gian mạng. Singapore là một trong những nước quy định cụ thể 05 nhóm nội dung bị cấm trên nền tảng mạng xã hội như khuyến khích hành vi tự sát, tự làm hại bản thân; cổ súy, hướng dẫn cách thức sử dụng bạo lực; cản trở các biện pháp phòng vệ y tế cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh; kích động khủng bố, hành vi gây phát sinh thù địch, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo trong nước... Tại Liên minh châu Âu thì quy định ngăn chặn hành vi độc quyền, thúc đẩy môi trường công bằng cho mọi nền tảng mạng xã hội phát triển; minh bạch về chính sách kiểm duyệt nội dung trực tuyến, gỡ bỏ các thông tin bị gắn thẻ chứa phát ngôn gây thù hận, kích động khủng bố trong 24 giờ và thông báo cho cơ quan chức năng về hành vi vi phạm; cấm quảng cáo nhằm vào trẻ em và sử dụng dữ liệu cá nhân nhạy cảm (quan điểm chính trị, tôn giáo, dân tộc…) cho mục đích thương mại. Mới đây nhất vào tháng 3/2023, Ủy ban Châu Âu đã ra lệnh cho các nhân viên xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và thiết bị cơ quan của họ.
Tại Việt Nam, công tác quản lý TikTok còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Youtube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp, nan giải, chẳng hạn như việc kiểm soát, giám sát dòng tiền ra vào, quản lý thuế hoặc quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới,… Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nội dung “bẩn” trên TikTok không được xử lý tận gốc mà chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả sau khi đã xảy ra vi phạm.
Dự báo thời gian tới sẽ có nhiều quốc gia sẽ tiếp tục thắt chặt, kiểm soát các nền tảng mạng xã hội với quan điểm cứng rắn, gây sức ép, đe dọa áp dụng các lệnh cấm để buộc các nền tảng mạng xã hội phải tuân thủ các quy định pháp luật, với nhiều nguyên nhân khác nhau, bởi những nguy cơ, hệ lụy khó lường về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Vì vậy, mỗi chúng ta hãy cẩn trọng, tỉnh táo trong việc quyết định sử dụng mạng xã hội nói chung và TikTok nói riêng, không để bị cuốn vào những xu hướng, hoạt động bất lợi cho bản thân, gia đình và xã hội.

An Tây - Tổng hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét