Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Nghị Quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII)

“Tính chính đáng chính trị là sự chấp nhận và ủng hộ của người dân đối với một chủ thể cầm quyền”. Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được nhân dân tin tưởng, thừa nhận là đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền lực nhà nước là quyền lực công, là công cụ để quản lý, dẫn dắt và phục vụ xã hội, bảo đảm vai trò cầm quyền của Đảng. Vì vậy, không chỉ chính đáng trong giành chính quyền, Đảng muốn duy trì tính chính đáng trong việc cầm quyền, bởi nó chính là cơ sở, nền tảng để người dân tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng, đi theo Đảng, tự nguyện phục tùng sự lãnh đạo của Đảng để Đảng đạt được hiệu lực và hiệu quả trong cầm quyền. Vì là một đảng duy nhất cầm quyền, cho nên trong mỗi giai đoạn cầm quyền, tính chính đáng cao hay thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng đối với nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiện nay, Hiến pháp và các văn kiện đảng đã xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Phương thức lãnh đạo của Đảng cũng được xác định cụ thể trong Điều lệ Đảng và các văn kiện của Đảng. Về mục đích cầm quyền của Đảng, ngay từ khi ra đời, Đảng là tổ chức lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam tiến hành đấu tranh cách mạng để giải phóng dân tộc, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi giành được chính quyền, Đảng sử dụng chính quyền, lãnh đạo chính quyền để xây dựng chế độ xã hội mới xã hội XHCN. Như vậy, mục đích cầm quyền - lãnh đạo Nhà nước của Đảng chính là để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Xét về bản chất, mục đích cầm quyền của Đảng chính là để thể chế hóa, hiện thực hóa quyền lực của Đảng cầm quyền; ý chí, quyết tâm chính trị của nhân dân lao động thành quyền lực nhà nước - quyền lực công - để toàn xã hội thực hiện. Chỉ có thông qua bộ máy nhà nước, thông qua nắm vững và sử dụng bộ máy chính quyền nhà nước, quyền lực của Đảng mới được thực hiện; mục tiêu, lý tưởng của Đảng mới có thể đạt được, qua đó Đảng mới hoàn thành được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình.
Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công tác xây dựng Đảng. Nhằm cụ thể hóa yêu cầu trên, cũng như đánh giá Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị sau 15 năm thực hiện. Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Theo đó, Nghị quyết đã nêu lên 03 quan điểm: (1) Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng. (2) Phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội. (3) Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Cùng với 03 quan điểm nêu trên, Nghị quyết đã nhấn mạnh 03 mục tiêu lớn: (1) tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; (2) nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hoá, cụ thể hoá thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ; (3) xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, Nghị quyết đã xác định 06 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như sau: (1) đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; (2) đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; (3) đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; (4) đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; (5) phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; (6) đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Với mục tiêu, quan điểm cụ thể cùng những giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay và hơn hết là sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới chắc chắn sẽ thắng lợi./.
An Tay - Tong hop

0 nhận xét:

Đăng nhận xét