Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan

Ngày 20/3/2023 giờ Mỹ, tức ngày 21/3/2023 giờ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới, trong đó có Việt Nam. Phần báo cáo về Việt Nam năm nay dài 43 trang, ngắn hơn so với báo cáo năm 2022 (47 trang). Tuy nhiên “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam” .
Bà Phạm Thu Hằng - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định “Các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như triển khai trong thực tiễn”; “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết, cũng như đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.
Có thể thấy, trong suốt thời gian qua Việt Nam luôn chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế giới ghi nhận. Thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao những lần Việt Nam ứng cử và trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong cuộc họp đặc biệt lần hai của AICHR theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện AICHR, các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, diễn ra vào cuối tháng 11-2020, các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AICHR 2020 là đã dẫn dắt hoạt động của AICHR trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, không chỉ giúp duy trì đà hợp tác của AICHR và ứng phó hiệu quả trước các tác động của đại dịch, mà còn thúc đẩy soạn thảo và thông qua một loạt các văn kiện quan trọng định hướng hợp tác AICHR trong thời gian tới.
Không chỉ quan tâm thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, Việt Nam còn chú trọng đến nhóm yếu thế, như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác trong AICHR, trong đó đặc biệt là nỗ lực bảo đảm quyền con người trong đại dịch (COVID-19) được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao, mà còn tham gia đóng góp tích cực vào định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó Việt Nam đã cùng với Phi-líp-pin và Băng-la-đét trực tiếp soạn thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người đã được chính thức thông qua vào tháng 7-2019 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Có thể thấy, thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nếu như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đặt “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” thì Đại hội XIII của Đảng xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” . Do đó, mọi thông tin phiến diện một chiều, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam nhất là phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, cần phải kiên quyết đấu tranh đồng thời làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội để góp phần làm sáng tỏ và thực hiện, phát huy nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay.

An Tây - Tổng hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét