Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

NHẬN DIỆN THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG XÃ HỘI

Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian xã hội trên internet mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội và cá nhân. Mạng xã hội trên không gian mạng là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng.
Về bản chất, có thể nhận diện: Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động gây bất lợi cho nhà nước ở các phương diện mà họ tiếp cận. Dần dần, những thông tin xấu, độc đó không chỉ bị tiêm nhiễm với người thiếu bản lĩnh mà như một chất xúc tác, thúc đẩy họ chống lại những giá trị cốt lõi được các thế hệ cách mạng đã hy sinh máu xương, trí lực để dựng xây nên.
Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xấu, độc trong giai đoạn vừa qua đã góp phần tạo nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của không ít người do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt trên chặng đường đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp. Một số cá nhân vì thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, vì lợi ích nhỏ nhen, đã sẵn sàng bán rẻ cả danh dự, nhân phẩm của bản thân, bán rẻ cả quá khứ vinh quang, tốt đẹp... để mưu lợi rẻ tiền và nuôi trong mình những ảo tưởng.
Hiện nay, hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội tại Việt Nam có thể thấy nổi lên những vấn đề cơ bản sau:
Về nội dung, các đối tượng tập trung vào những vấn đề cơ bản sau: (1) Các đối tượng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hoàn toàn không còn giá trị với bối cảnh Việt Nam hiện tại; cho rằng Liên Xô sụp đổ thì trong tương lai việc Việt Nam sụp đổ là tất yếu. (2) Phê phán, đả kích Đảng, đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang bị khủng hoảng về đường lối lãnh đạo, do đó phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để từ đó “tìm ra con đường phát triển đúng đắn” cho Việt Nam; thổi phồng những mặt trái hiện nay, vu cáo, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng; lợi dụng một số vụ việc phức tạp xảy ra để vu cáo, nói xấu Đảng. (3)Chúng cho rằng tình trạng tham nhũng, suy thoái của đội ngũ cán bộ đảng viên và việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý kỷ luật và khởi tố hình sự nhiều cán bộ cấp cao vừa qua là “dấu hiệu cho sự suy thoái, sụp đổ của Đảng. (4) Các đối tượng tập trung bôi nhọ, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; thủ đoạn của chúng là tìm cách xuyên tạc đời tư, lý lịch cá nhân, quan hệ xã hội của các đồng chí lãnh đạo, từ đó vu khống vô căn cứ những thông tin thu thập được để hạ uy tín. (5)Xuyên tạc, phủ nhận những giá trị của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. (6)Các đối tượng vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, rêu rao rằng Việt Nam vi phạm Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp quốc. (7)Cho rằng Việt Nam đã thực hiện “kinh tế thị trường” thì phải bỏ tính “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Về phương thức, các đối tượng sử dụng mọi chiêu bài, thông qua cả các kênh trong nước lẫn nước ngoài, với nhiều hình thức như bằng các bài viết, sáng tác thơ, viết sách, báo, youtube… Để đạt được độ lan truyền nhanh, thu hút sự quan tâm của công chúng, các đối tượng thường tuyên truyền, xuyên tạc vào các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của dân tộc; lôi kéo, mua chuộc một số trí thức, văn nghệ sĩ, một số người từng giữ những vị trí cao trong Đảng và Nhà nước…
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý không gian mạng phù hợp với xu thế phát triển, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, tập trung xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên không gian mạng; ban hành các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật An ninh mạng và các hệ thống luật khác có liên quan. Đồng thời, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước, đặc biệt là phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng; triển khai các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng”. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng internet tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, đủ năng lực nhận biết, phân biệt đúng sai, thật giả, tích cực đấu tranh, phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên không gian mạng. Hoàn thiện quy chuẩn văn hóa của những người đưa thông tin lên mạng, kịp thời chấn chỉnh trật tự, kỷ cương, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong kỷ nguyên số.
Đối với mỗi công dân chúng ta cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi tham gia vào mạng xã hội và tích cực tham gia phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Đặc biệt, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết:
Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Để thực hiện được kỹ năng đó, mỗi cá nhân cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc được nhận diện ở các yếu tố: Mục đích, ý nghĩa, nội dung... của thông tin. Về mục đích: Chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về nội dung: Thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc… Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống.
Để xác định chắc chắn đó là thông tin chính thống, nên tiếp nhận hay không thì cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Sau khi nhận diện được thì chúng ta nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận. Thường thì những thông tin được tung ra nhằm khuấy động dư luận và tạo ra các luồng nhận thức khác nhau. Nhiều người vì tò mò nên tiếp cận thông tin đó mà không suy nghĩ xem nên tiếp nhận như thế nào cho đúng.
Mặt khác, chúng ta cần có kỹ năng công nghệ - thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cẩn thận cân nhắc xem nên hay không nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.

M.K

0 nhận xét:

Đăng nhận xét