Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Thấy gì từ cuộc bạo loạn tại Pháp?

Ngày 30/6/2023, phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo loạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định: “Các nền tảng mạng xã hội và internet đang đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện gần đây. Chúng tôi đã thấy các ứng dụng như Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nền tảng tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực”. Theo Tổng thống Pháp, có khoảng 1/3 số người bị bắt giữ trong 3 đêm gần đây là người “trẻ hoặc rất trẻ”, điều này cho thấy internet đang có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên tại Pháp, giới trẻ đang xuống đường để hành động theo “các trò chơi điện tử khiến họ say sưa”. Ông Macron cũng cho biết Chính phủ Pháp sẽ làm việc với các trang truyền thông xã hội để “gỡ bỏ các nội dung nhạy cảm nhất” và xác định những người dùng “kêu gọi bạo loạn hoặc làm trầm trọng thêm bạo lực”.
Cùng đó, giải thích về lý do bạo lực bùng phát không giảm trong những ngày gần đây, hầu hết các quan chức an ninh Pháp đều chỉ ra vai trò của các nền tảng truyền thông trực tuyến. Ứng dụng Telegram và trên hết là Snapchat, phổ biến nhất với giới trẻ, có hơn 20 triệu người dùng trong hoạt động hằng ngày ở Pháp. Thư ký quốc gia của Liên đoàn Cảnh sát quốc gia Pháp, ông Grégory Joron cho biết: “18 năm trước còn chưa ra đời, giờ đây các ứng dụng này đã làm thay đổi tình hình. Những kẻ bạo loạn gặp nhau dễ dàng hơn nhiều, có thể phối hợp ở các điểm khác nhau trong một lãnh thổ, rút lui và bắt đầu lại xa hơn”.
Nhận thức được tác động và hậu quả của sự lan truyền này, Chính phủ Pháp đã triệu tập đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội chính như Meta, Twitter, Snapchat, TikTok hôm 30/6 để yêu cầu họ “cam kết tích cực thu hồi những tin nhắn được báo cáo và xác định người sử dụng mạng xã hội tham gia thực hiện tội phạm”
Những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với an ninh Việt Nam…
- Ở Việt Nam, thời gian qua, lợi dụng tính chất rộng mở, tự do của mạng xã hội, các thế lực thù địch, phần tử phản động đã lập ra các trang web, các kênh trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube... tuyên truyền sai sự thật, xúi giục, kích động thù hằn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; kêu gọi, kích động người dân gây rối an ninh trật tự; thậm chí còn kết nối, tập hợp lực lượng qua mạng xã hội nhằm chuẩn bị cho các cuộc bạo loạn, lật đổ. Điển hình như vụ việc nhóm người dùng súng tấn công trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 11/6/2023, bắn chết Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu, 04 cán bộ Công an, 03 người dân, làm bị thương một số người khác. Số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều là đối tượng trẻ, khai nhận thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng.
- Có thể nói mạng xã hội chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch, đối tượng chống đối gieo rắc tư tưởng dân chủ, nhân quyền, tự do theo mô hình của phương Tây. Chúng vu cáo Việt Nam bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, nhân quyền, quyền tự do xuất bản và quyền tự do báo chí; đàn áp, bắt giữ, giam cầm các nhà báo, các blogger đã “dám nói lên sự thật, quan điểm”, “dám đưa thông tin trái chiều”, “dám bảo vệ chân lý”…
- Chúng không ngừng tìm cách đẩy mạnh tuyên truyền, cổ xúy du nhập các trào lưu, tư tưởng cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, bè phái từ bên trong, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong thời gian qua, chúng kích động cho những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” để biểu tình gây rối an ninh trật tự; triệt để lợi dụng các vụ án phức tạp, nhạy cảm để kích động, xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước, kích động “bất tuân dân sự”.
- Ngoài ra, trên mạng xã hội hiện nay có không ít những hiện tượng như: tạo dựng, lan truyền thông tin hình ảnh, video, tin tức... truyền bá các loại văn hóa phẩm đồi trụy, tổ chức đánh bạc, mại dâm, phát tán ảnh đồi trụy, hình ảnh riêng tư để làm nhục người khác…
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ hiện nay, mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, nhất là quy tắt ứng xử trên mạng xã hội.

Quang Đại (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét