Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Tin độc, tin xấu, tin sai sự thật gây bất ổn xã hội ảnh hưởng kinh tế….

Không gian mạng là phương tiện nhiều lợi thế kết nối vạn vật. Ngoài những thế mạnh vượt trội cho nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển, tiến bộ, những ưu thế này cũng bị kẻ xấu lợi dụng triệt để phát tán những thông tin sai, xấu, độc trong thời gian qua rất đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng lợi dụng triệt để các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo nhằm ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Hành động có trách nhiệm trên mạng là cách mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, tôn trọng người khác và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp.
Tác động xã hội và nền kinh tế bất ổn khi vướng tin xấu, độc, tin giả
Bằng các thủ đoạn phổ biến như tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện "nóng", các "vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội" để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.
Như lợi dụng tình hình dịch bệnh ở một số khu vực trong nước có một số ca mắc Covid 19 hồi đầu tháng 4/2023, một số tài khoản trên mạng xã hội đã lan truyền những thông tin không chính xác về dịch bệnh "Cập nhật 12 điểm nóng tại TP. HCM" hay "Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc COVID-19". Tuy rằng sau khi xuất hiện những thông tin này, Sở Y tế TP. HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã tức tốc có thông báo bác bỏ nhưng cũng gây ra dư luận hoang mang trong lòng người dân. Để người dân có được thông tin kịp thời, chính xác, Bộ Y tế công bố thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh Covid 19 tại Việt Nam.
Một số đối tượng xấu vì mục đích vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... gây hoang mang dư luận. Tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền... như vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng. Từ những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng đã có những Youtuber, Tiktoker "ăn theo" tạo ra những tin xấu, độc hại, xúc phạm người khác. Đây cũng là vụ việc cơ quan chức năng đang điều tra, nhiều người đã vướng vào vòng lao lý.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp và nhà đầu tư điêu đứng với các loại tin đồn thiếu căn cứ, thậm chí là chịu thiệt hại không hề nhỏ. Như việc Công ty chứng khoán VNDirect do bị dính đến tin đồn bảo lãnh và phát hành trái phiếu cho một tập đoàn lớn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp nhiều sóng gió, giá cổ phiếu của VNDitect liên tục rớt sàn. Thời điểm “dính” tin đồn (26/10/2022) giá cổ phiếu VNDirect (VND) chỉ còn 10.650 đồng/cổ phiếu sau khi ở mức đỉnh xấp xỉ 35.000 đồng (tháng 4/2022). Gần đây nhất, Chủ tịch HĐQT HDBank Kim Byoung-Ho đã phát đi thông báo liên quan đến một số thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội. Trong đó, tài khoản giả mạo đã lấy tài khoản Facebook người vi phạm pháp luật để phát tán nội dung bịa đặt về HDBank, điều này làm cổ phiếu ngân hàng này lao dốc liên tục và rớt chạm sàn 13.800 đồng/cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp bị “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng vốn hóa, thị trường chứng khoán tràn sắc đỏ, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, nhà đầu tư đồng loạt yêu cầu rút trái phiếu trước hạn khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Tin đồn giả nhưng hậu quả là thật, những thông tin sai lệch về doanh nghiệp đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đến doanh nghiệp như cổ phiếu rớt giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về “sức khỏe” của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng và ảnh hưởng dây chuyền đến đối tác. Ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với các đối tác.
Hai năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã ra gần 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt này quá nhỏ so với tác hại mà tin giả gây ra xã hội. Thậm chí tình trạng này vẫn không giảm, nhất là việc đăng tải thông tin gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động doanh nghiệp, tác động tiêu cực tới thị trường tài chính. Những đối tượng tung tin thất thiệt hiện gồm 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm cố tình đăng tải thông tin tiêu cực, họ luôn tìm những điểm xấu hoặc bóp méo thông tin. Thứ hai là nhóm những người không có thông tin đầy đủ, nhưng dựa vào hiểu biết hạn chế đã đưa ra những thông tin sai lệch. Thứ ba là nhóm không có thông tin nhưng muốn câu views, nói xấu nên sẵn sàng lan truyền những thông tin chưa kiểm chứng.
Chống tin độc, tin xấu, sai sự thật: Hãy là người chia sẻ có trách nhiệm!
Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương ứng với 73% dân số. Bên cạnh những thông tin tích cực, nhiều thông tin thiếu thẩm định, tin độc, tin xấu, tin sai trái cũng đang tràn lan trên mạng xã hội, tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Trong môi trường số, người dùng đang hình thành thói quen đọc lướt, chưa đọc kỹ đã bấm nút chia sẻ trên mạng xã hội. Người đọc bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông dễ tin vào những điều có nhiều người tin, nhiều người thích hay chia sẻ hình thành xu hướng cuốn theo đám đông mà không cần kiểm chứng, hay phản biện, suy xét thấu đáo về các thông tin nửa thực nửa hư, mờ ảo. Tin sai trái như một virus xâm nhập, gây rối loạn dư luận, làm lung lay, thậm chí là khủng hoảng niềm tin.
Ngoài việc tung tin sai sự thật thì nhiều đối tượng còn mạo danh các chương trình lớn, những kênh truyền thông uy tín quốc gia, kể cả mạo danh các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam để tung tin đồn sai sự thật về các doanh nghiệp, các ngân hàng... gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động doanh nghiệp, tác động tiêu cực tới thị trường, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân và các nhà đầu tư. Mạo danh cơ quan, tổ chức thậm chí là mạo danh cả cổng thông tin của chính quyền. Lập các fanpage giả mạo các chương trình tài chính, kinh tế của Đài Truyền hình Việt Nam để đăng tải thông tin xấu độc như bắt lãnh đạo doanh nghiệp hay ngân hàng vỡ nợ. Chủ những website, Fanpage này đã dùng đủ mọi thủ đoạn, thông tin để gây nhiễu loạn thị trường, gây bất ổn tới tâm lý nhà đầu tư và người dân.
Thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tạo nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Nhiều công cụ đã được áp dụng để sàng lọc, ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật.
Trong thế giới số, không đủ mọi công cụ để ngăn chặn, sàng lọc tất cả tin giả. Mỗi cá nhân cần tạo cho bản thân một màng lọc thông tin bằng nhận thức, trách nhiệm trong tiếp nhận và chia sẻ thông tin, tỉnh táo trước mỗi lần ấn nút thích, chia sẻ dòng trạng thái hay bình luận. Bởi nếu không bạn sẽ vô tình trở thành công cụ truyền tải, đưa tin sai sự thật đến cộng đồng. Và một ngày không xa, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của tin giả.
Thực tế hiện nay, nhiều người đang tìm cách thoát ly môi trường mạng bằng kỳ nghỉ không internet, tắt điện thoại cả tuần về vùng nông thôn sống hay khôi phục lại văn hóa đọc… Sự thích ứng là của mỗi cá nhân, các cơ quan có trách nhiệm cần tạo môi trường pháp lý, môi trường truyền thông phù hợp, vun đắp nền văn hóa dân tộc, hướng con người vào cái tốt, vào tinh thần nhân văn để có kháng thể chống lại cái xấu, cái độc cả trong môi trường mạng và trong đời sống bình thường. Nếu luôn chủ động trên thế mạnh, lấy tấn công làm phòng thủ, việc chống thông tin xấu độc sẽ có chuyển biến mạnh mẽ và không quá vất vả. Hơn lúc nào, chính mỗi người cần tăng đề kháng trước những thông tin giật gân, thiếu kiểm chứng, là người chia sẻ có trách nhiệm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét