Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Hiện nay, các thế lực thù địch liên tục xuyên tạc về thực trạng tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Chúng dùng những thủ đoạn này không chỉ để gây chia rẽ giữa tôn giáo và chính quyền nhân dân mà còn nhằm mục đích cao cả hơn là phá hoại sự ổn định chính trị, đe dọa sự thịnh vượng của Đảng và Nhà nước Việt Nam ta; điều này đồng nghĩa việc phủ nhận sự tiến bộ trong chính sách tôn giáo tại Việt Nam.
Tháng 1/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố thông tin tiếp tục đưa Việt Nam vào "Danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo" (SWL) năm 2024 vì cho rằng Việt Nam vẫn còn những vi phạm về tự do tôn giáo. Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào "Danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo" (SWL) năm 2024 cho thấy phía Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, gia tăng lợi dụng vấn đề "tự do tôn giáo" để can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước ta; đồng thời kích lệ tinh thần, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức phản động ở trong và ngoài nước tăng cường hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.
Các đối tượng cơ hội chính trị, các đối tượng bất mãn và một số nhóm người Việt sống lưu vong có tư tưởng thù địch, chống đối liên kết với nhau nhằm thổi phồng sự việc, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ thông qua nhiều hình thức như tổ chức các cuộc hội luận, họp báo, phát tán tài liệu, đăng đàn nhiều quan điểm trên không gian mạng... để tuyên truyền xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “kiểm soát tôn giáo”, khiến cho các tôn giáo ở Việt Nam bị buộc phải "im lặng" hay biến thành "công cụ" của Nhà nước. Mục đích của những luận điệu này là tập trung gây chia rẽ, khoét sâu mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền nhân dân.
Số tổ chức, các cá nhân trong nước tận dụng những bất cập, sơ hở trong quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo để kích động gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương. Chúng triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo nhằm "chính trị hóa" sự việc, kích động hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc, nghi ngờ trong xã hội.
Một số tu sĩ, chức sắc tôn giáo có nhận thức lệch lạc nêu vấn đề, muốn có tự do tôn giáo phải thành lập khu tôn giáo tự trị hòng gây chia rẽ đoàn kết tôn giáo. Các tổ chức cực đoan trong và ngoài nước thường xuyên hẫu thuận cho số tu sĩ, chức sắc tôn giáo có tư tưởng chống đối nhằm tăng cường hoạt động xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, kích động tín đồ đòi “tự do tôn giáo” và “quyền tự trị dân tộc”. Tại Tây Bắc, họ lập đạo Vàng Chứ để thành lập “Vương quốc Mông tự trị”. Tại Tây Nguyên, họ yêu sách với chính quyền đòi thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” với quốc giáo là Tin lành Đề Ga. Tại Tây Nam Bộ, họ đòi thành lập “Nhà nước Khơ me Krôm” với “Phật giáo riêng của người Khơ me”. Đây thực chất là mưu đồ “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”, kích động lòng thù hận dân tộc, làm xuất hiện chủ nghĩa dân tộc - tôn giáo cực đoan, gây nguy hại đến An ninh Quốc gia.
Tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là chính sách nhất quán, thể hiện xuyên suốt từ cương lĩnh chính trị đến nghị quyết, văn kiện, báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện rất rõ trong Hiến pháp. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp năm 1946 đã quy định quyền tự do tín ngưỡng là một quyền hiến định của nhân dân; Và điều 24 trong Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhìn nhận tổ chức tôn giáo như một nguồn lực xã hội và chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tín đồ, chức sắc, các tổ chức tôn giáo và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Có thể thấy, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được hiến định và thể chế hóa bằng pháp luật, thể hiện nhất quán hòng chỉ đạo công tác lập pháp tôn giáo.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã thể hiện rõ thông qua nội dung Hiến chương, điều lệ, quy định của tôn giáo luôn bám sát yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, Phật giáo luôn kiên định con đường “Đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; Công giáo tự hào với quan điểm “sống phúc âm trong lòng dân tộc”; đạo Tin lành với Hiến chương “phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc”; đạo Cao Đài với khẩu hiệu “nước vinh - đạo sáng” … đã khơi dậy truyền thống gắn kết giữa tín ngưỡng, tôn giáo với tinh thần tự lực, tự cường, độc lập dân tộc.
Sự phát triển sôi động của đời sống tôn giáo tại Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất cho quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, đến nay, Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng hơn 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước.
Cùng với sự phát triển đáng kể của đời sống tôn giáo, các hoạt động như tăng số lượng tín đồ, nhà thờ, chùa, cơ sở thờ tự, các cơ sở đào tạo và xuất bản về tôn giáo cũng ngày càng gia tăng . Điều này cho thấy sự quan tâm và nỗ lực không ngừng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo và tín ngưỡng trong đời sống hàng ngày của người dân.
Việt Nam cũng đã tích cực đăng cai tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị tôn giáo quốc tế và khu vực, tạo cơ hội cho các quốc gia trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế về tôn giáo, thể hiện cam kết của đất nước trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.
Trong một thời đại mở cửa và hội nhập với cộng đồng quốc tế, chính sách tôn giáo của Việt Nam không ngừng mở rộng và thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu và hợp tác giữa các tổ chức tôn giáo trong nước và quốc tế. Những sự kiện tôn giáo mang tính quốc tế và khu vực, như Đại lễ Phật đản Vesak của Phật giáo năm 2008, 2014 và 2019; Lễ Năm thánh 2010 và Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012 của Công giáo; Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017 của Tin lành... đều được Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức. Những hoạt động này là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển ngày càng rộng lớn của các tôn giáo tại Việt Nam.
Từ những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Việt Nam thể hiện rõ rằng tín ngưỡng và tôn giáo không chỉ là một phần của đời sống văn hóa và tâm linh của dân tộc mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự gắn kết và đoàn kết trong xã hội. Điều này góp phần xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng thịnh vượng mang bản sắc đậm đà văn hóa dân tộc.
Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào "Danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo" vừa không phản ánh được thực tiễn tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vừa gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa 2 nước tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam. Cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Huỳnh Văn Đô La

0 nhận xét:

Đăng nhận xét