Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

CẢNH GIÁC HOẠT ĐỘNG XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ CỦA TỔ CHỨC PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI - RSF

Núp dưới chiêu bài “tư do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “bảo vệ tự do báo chí trên thế giới”, tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières – RSF) chưa bao giờ ngừng xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Mới đây, RSF vừa đưa ra cái gọi là tổng kết năm 2023 cho biết tại Việt Nam hiện có đến 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm, trong đó có 20 blogger, rồi liệt Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới. Đây không phải là lần đầu RSF cung cấp những thông tin thiếu thiện chí, sai lệch về vấn đề tự do báo chí của Việt Nam.
RSF là một tổ chức phi chính phủ toàn cầu được thành lập năm 1985 và có trụ sở tại Paris, Pháp. Phương châm hoạt động của tổ chức này dựa vào điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Tuy nhiên, thực chất thì tổ chức này thường xuyên lợi dụng các chiêu bài tự do báo chí, tự do ngôn luận để gâp sức ép mang tính quốc tế; đồng thời xuyên tạc về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.Có thể thấy mục đích hoạt động của RSF nghe có vẻ rất mĩ miều nhưng thực chất lại không đúng với tôn chỉ mà họ đưa ra. Với lăng kính thiếu thiện chí với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa, các thành viên của tổ chức này luôn có cách đánh giá lạc lõng, thể hiện sự thiếu khách quan, thậm chí là xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam và chống lưng cho những kẻ chống phá đội lốt nhà báo như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng,… Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, Phạm Đoan Trang hay Phạm Chí Dũng hoặc các cá nhân khác là công dân của Việt Nam, cho nên phải chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, không thể lấy danh tiếng là “nhà báo tự do” mà có thể “ngồi xổm” trên các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Như vậy, ở Việt Nam, chỉ có những người làm báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí, các quy định có liên quan và chịu sự quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam chứ không có khái niệm “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” hay “bloger tự do”… Ở Việt Nam không có nhà báo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị bắt, bị giam giữ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam chỉ khởi tố, bắt giữ, điều tra đưa ra xét xử những công dân núp dưới danh nghĩa nhà báo để có hành vi cố tình vi phạm pháp luật, hoặc lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát tài liệu, các bài viết có nội dung xấu độc phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam. Sự thật về 36 đối tượng chống đối hiện đang bị giam giữ mà RSF nêu ra trong báo cáo thì có người trước đây từng là nhà báo, làm việc tại cơ quan báo chí nhưng sau đó do vi phạm pháp luật nên đã bị tước thẻ hành nghề, không còn được hoạt động báo chí; còn lại trường hợp khác họ không phải là nhà báo mà chỉ là cá nhân lợi dụng nền tảng mạng xã hội để viết bài, sản xuất các video clip xuyên tạc sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Những kẻ đó không thể gọi là nhà báo, lại càng không xứng đáng với những nhà báo chân chính, đúng nghĩa.
Bằng chứng là ngay sau khi số đối tượng bị bắt, các tổ chức này ra sức kêu gào đòi trả tự do cho đối tượng này, vu khống rằng Việt Nam không có nhân quyền, không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí. Đáng lẽ với tư cách là một tổ chức quốc tế, RSF nên có những quy chế hoạt động và yêu cầu các nhà báo tôn trọng pháp luật của nước sở tại, đằng này RSF và một số tổ chức khác lại đang lợi dụng chính những thành viên mà trên danh nghĩa được họ bảo vệ để bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá một quốc gia độc lập có chủ quyền và có nền tư pháp riêng. Việt Nam là quốc gia độc lập tham gia vào nhiều các cơ cấu hợp tác quốc tế nhưng cũng có những quy định pháp luật riêng yêu cầu mọi công dân phải chấp hành và các tổ chức cũng nhưng các quốc gia khác phải tôn trọng. Chúng ta có Luật Báo chí, có các Bộ luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức. Do vậy, mọi hành vi vi phạm pháp luật dù ít hay nhiều đều bị trừng trị thích đáng. Cho nên, trước những hành động lợi dụng quyền tự do dân chủ chống phá một cách cực đoan như các đối tượng trên, việc họ bị pháp luật trừng trị là hoàn toàn thích đáng và không hề có chuyện Việt Nam giam giữ nhiều nhà báo như RSF quy chụp. Đặc biệt, một thực tế cho thấy, từ khi những đối tượng trên bị xử lý trước pháp luật, mạng xã hội được “sạch” theo đúng nghĩa, không còn những bài viết có nội dung tiêu cực định hướng xã hội, không còn những thông tin xuyên tạc, phản động được lan truyền gây bất ổn xã hội…, cộng đồng mạng được hít thở một bầu không khí trong lành trên không gian mạng.
Chính vì thế, các tổ chức phi chính phủ nói chung và RSF nói riêng cần phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và hãy hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích cao cả như tuyên bố, không nên lập lờ đánh lận con đen, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí để toan tính mưu đồ chính trị hoặc chống lưng, dung dưỡng cho các thành phần chống đối chính trị như ở Việt Nam./.
N.V.L.G

0 nhận xét:

Đăng nhận xét