Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BẢN CHẤT VỤ ÁN “TỊNH THẤT BỒNG LAI”

Hiện nay trên không gian mạng, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước vẫn tiếp tục ủng hộ những người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc, địa chỉ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và có những bình luận trái chiều xung quanh việc xét xử Lê Tùng Vân cùng đồng bọn trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc. Phần lớn dư luận quần chúng nhân dân điều đồng tình với việc truy tố, xét xử, bản án thích đáng cho các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, số phản động lưu vong "Việt Tân", “Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS”, các báo đài hải ngoại (RFA, RFI, VOA Tiếng Việt…) liên tục vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”, “đàn áp tự do tôn giáo” khi xét xử ông Lê Tùng Vân và đồng bọn. Đây là luận điệu tuyên tuyền, xuyên tạc không mới lạ gì đối với bọn chúng nhằm lừa gạt những người thiếu hiểu biết về bản chất của vụ án, hành vi vi phạm pháp luật của số đối tượng trong vụ án xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc.
Sự thật cái gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”, (tại số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bắt đầu từ những kẻ “biến gia thành chùa” (hay "cải gia vi tự”) gắn với vị “trụ trì” tự xưng Lê Tùng Vân (sinh năm 1932; quê quán: An Giang) - tức “Thầy ông nội” hay Hòa thượng Thích Tâm Đức. Điều đáng nói, ông Lê Tùng Vân chưa từng trải qua tu hành ở chùa nào, từ An Giang lên Thành phố Hồ Chí Minh rồi bắt đầu hành nghề... lừa từ thiện bằng chiêu trò nuôi trẻ mồ côi. Sau khi Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định chấm dứt hoạt động “Trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức” do ông Lê Tùng Vân lập trái pháp luật và tự cho mình là Giám đốc (địa chỉ tại ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân bán toàn bộ đất đai, chuyển đến hộ bà Cao Thị Cúc (tại số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để sinh sống. Ông Lê Tùng Vân xuất hiện với vai trò đứng đầu cái gọi là “Tịnh thất Bồng Lai”. Tuy nhiên, qua xác minh được biết: “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tự viện Phật giáo. Những đứa trẻ được giới thiệu là “chú tiểu”, trẻ mồ côi,... thực chất đang sống cùng mẹ ruột, có giấy tờ khai sinh. Bên trong nhà bà Cao Thị Cúc, nơi tự xưng là “Tịnh thất Bồng Lai” có căn thờ Phật như một chánh điện của tự viện Phật giáo. Phần lớn những người sinh sống ở đây xuống tóc (trừ một số phụ nữ lớn tuổi), mặc áo tương tự nhà tu hành, tự xưng là “sư thầy, sư cô, hoà thượng, đại đức, chú tiểu”…
Do bị cộng đồng Phật giáo, báo chí, truyền thông, mạng xã hội, phản ứng gay gắt, ông Lê Tùng Vân chọn thời khắc giao thừa Tết Dương lịch năm 2020 (01/01/2020) tuyên bố với những người đang sống tại hộ bà Cao Thị Cúc chính thức đổi tên “Tịnh thất Bồng Lai” thành "Thiền am bên bờ vũ trụ". Mục đích chính của việc đổi tên này là một động thái xoa dịu dư luận, cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An; đồng thời, tránh bị chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật, bởi tất cả đều khẳng định nơi đây hoạt động khi chưa được công nhận, nếu tiếp tục giữ danh xưng “Tịnh thất Bồng Lai” là vi phạm tín ngưỡng tôn giáo.
Hoạt động của ông Lê Tùng Vân và những người trong “Tịnh thất Bồng Lai” đã trở thành một “điểm nóng” về an ninh, trật tự tại địa phương, khiến dư luận bức xúc, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi một địa điểm chưa được công nhận lại tự nhận mình là cơ sở tự viện hợp pháp, ngang nhiên hoạt động tôn giáo, kêu gọi từ thiện... Tháng 11/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ kết luận: “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Do đó, việc số đối tượng phản động lưu vong và các báo đài hải ngoại… lên tiếng rằng "Tịnh thất Bồng Lai" đại diện cho Phật giáo Việt Nam là không có cơ sở, báng bổ Phật giáo Việt Nam.
Sau khi đổi tên thành "Thiền am bên bờ vũ trụ", những người sống tại đây xây dựng một số tập phim hài đăng trên kênh youtube “5 chú tiểu - thiền am bên bờ vũ trụ”, lấy hình ảnh Đức Phật để gây cười, làm xôn xao dư luận trong xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Phật giáo và an ninh trật tự tại địa phương. Những video clip được tung lên các trang mạng xã hội cho thấy, mặc dù chưa bao giờ xuất gia, nhưng ông Lê Tùng Vân, luôn mạo xưng mình là "Thầy ông nội" hay Thầy Thích Tâm Đức. Tự cạo đầu trọc, mặc lễ phục, pháp phục, làm lễ phục xuất gia cho người khác, nhận Phật tử làm tín đồ và tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai" là chùa. Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đức Hòa đến kiểm tra việc chấp hành các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo, ông Lê Tùng Vân lại giải thích trái ngược hẳn với những tuyên bố thường ngày: "Ai muốn đến đây, kể cả chính quyền đều phải bấm chuông và gõ cửa, chứ không phải đi vô nói đây là chùa. Xin lỗi chuyện đó không có. Ở đây không phải là chùa".
Theo Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An, nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý; nơi này không phải là chùa hay tịnh thất, thực chất là "biến gia thành tự" vì không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của của tín đồ Phật giáo. Từ đó cho thấy, đây không phải là một cơ sở thờ tự của Phật giáo mà chỉ mượn danh xưng là cơ sở Phật giáo. Lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lấy danh nghĩa nhận nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi, nhận hỗ trợ từ thiện của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm mục đích trục lợi. Đó là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Phật giáo trong nước, cũng như trên thế giới và gần nhất là Giáo hội Phật giáo của tỉnh Long An.
Những hoạt động và sai phạm của ông Lê Tùng Vân cùng những người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc đã gây nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng nhân nhân. Một số cá nhân, tổ chức bị xâm phạm đã gửi đơn, thư đến cơ quan chức năng phản ánh, tố cáo, yêu cầu xử lý những sai phạm của ông Lê Tùng Vân và một số người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc, nơi tự xưng là “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Những phản ánh chủ yếu xoay quanh các hành vi có dấu hiệu trục lợi hình thức tu tại gia, nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi từ thiện, trục lợi từ thiện và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân,…
Sau thời gian dài điều tra những sai phạm, căn cứ tài liệu thu thập được phản ánh về hành vi sai phạm của các đối tượng tạm trú, sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo theo điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung sửa đổi năm 2017. Tháng 7/2022, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa xét xử sơ thẩm đối với 6 bị cáo. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. Các bị cáo khác gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, mỗi bị cáo bị tuyên phạt 4 năm tù. Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù, còn bị cáo Cao Thị Cúc 3 năm tù. Tháng 11/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc. Hội đồng xét xử tuyên y án giữ nguyên bản án sơ thẩm mà Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã tuyên trước đó.
Cần lên án các hành vi xuyên tạc bản chất của vụ án, các hoạt động điều tra, truy tố của cơ quan chức năng
Tự do tôn giáo tại Việt Nam tiếp tục là vấn đề bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm để bịa đặt, xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền” tại một số Hội nghị, diễn đàn quốc tế diễn ra trong thời gian gần đây với nhiều chiêu thức khác nhau, như là làm nóng các vụ việc đã xét xử trong nước và kêu gọi trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm tôn giáo”, móc nối với nhiều đối tượng tín đồ tôn giáo trong nước với các báo cáo giả mạo để vu cáo “Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo” trên các diễn đàn quốc tế. Âm mưu biến tôn giáo thành ngòi nổ gây mất an ninh chính trị - xã hội hoặc thông qua vỏ bọc tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại tư tưởng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những âm mưu, thủ đoạn thâm độc cần được nhận diện và phản bác.
Sự thật của “Tịnh thất Bồng Lai” là vậy, nhưng các đối tượng cơ hội, phản động lưu vong trong tổ chức "Việt Tân", “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS”, các báo đài hải ngoại (RFA, VOA Tiếng Việt…) lợi dụng sự quan tâm của dư luận để cố tình xuyên tạc sự thật, đưa lên truyền thông, mạng xã hội những thông tin bịa đặt hòng xuyên tạc sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam, lôi kéo số đông nhằm nói xấu chế độ, chống phá Nhà nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, RFA đưa tin, cùng nhiều bài viết và bình luận, xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Tiếp theo RFA, "Việt Tân", “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS”, các blogger, Facebook cá nhân của một số thành phần bất mãn, phản động đều lu loa “Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo” với nhiều bài viết và hàng ngàn bình luận thù địch; thông tin sai lệch, tiêu cực, những đánh giá phiến diện về tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cho thấy rõ ràng chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân,... Chính sách đó luôn được Nhà nước Việt Nam khẳng định và thực hiện nhất quán. Việc "Việt Tân", “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS” và một số báo đài hải ngoại lợi dụng vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, tự do tôn giáo là hoạt động đáng được lên án./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét