Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

CẦN CÓ TRÁCH NHIỆM KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới. Từ xa lạ, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của mỗi người dân. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 67% tổng dân số sử dụng internet và 57% tổng dân số sử dụng mạng xã hội. Mạng xã hội đã mang lại những trải nghiệm mới cho người dùng từ việc đăng tải, chia sẽ thông tin, hình ảnh, bày tỏ quan điểm, cảm xúc, suy nghĩ thậm chí là quảng cáo, bán hàng… cho đến chúng được nhiều cơ quan, đơn vị hành chính sử dụng để kết nối, trao đổi công việc, xem đây là phương tiện hữu hiệu để giảm bớt thời gian đi lại, truyền đạt thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến trên trang cá nhân cũng phải song hành với trách nhiệm của mỗi công dân trong việc đăng tải, chia sẽ thông tin, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc lan truyền với tốc độ rất nhanh ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Lợi dụng sự quan tâm của quần chúng nhân dân về dịch bệnh, nhiều đối tượng đã lan truyền trên mạng xã hội hàng loạt những thông tin bịa đặt rằng nơi này, nơi kia có người bị nhiễm hoặc bị chết vì Covid-19; một số “nghệ sĩ”, “MC”, “người mẫu”... mà bấy lâu nay chúng ta yêu thích, mến mộ cũng a dua, bắt “trend” lên án chính quyền không cung ứng thực phẩm, hỗ trợ người dân trong mùa dịch; đăng tải các bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc cử cán bộ y tế chi viện, hỗ trợ chống dịch… nhằm mục đích khuấy động, gây hoang mang dư luận, đánh bóng tên tuổi. Có thể thấy việc xử lý kịp thời, kiên quyết của cơ quan chức năng đã ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong cộng đồng và được dư luận ủng hộ, đồng tình. Bởi lẽ dịch bệnh không đáng sợ nếu chúng ta tỉnh táo và thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài những tin “giật gân”, “câu like” trên, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng còn lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tăng cường các hoạt tuyên tuyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân… Thật không khó để chúng ta nhận biết những thông tin xấu độc này, bởi những thông tin này đều đi ngược lại quyền và lợi ích chính chính đáng của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin luôn “núp bóng”, “ẩn mình” những ai không am hiểu, không có chính kiến thật không dễ để nhận biết nhận biết.
Quy chung lại, nguyên nhân xuất hiện những thông tin trên xuất phát từ 02 nguyên nhân sau: (1) những người hạn chế hiểu biết về pháp luật, cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không cần phải chịu trách nhiệm, do đó họ đưa tin không kiểm chứng nhằm mục địch đánh bóng tên tuổi, “câu view”, “câu like” để trục lợi cá nhân; (2) những người cố tình đưa thông tin nhằm mục đích phá hoại, tạo dư luận tiêu cực gây hoang mang trong quần chúng nhân dân làm mất ổn định tình hình trật tự xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng trên, hiện nay đã có nhiều văn bản luật và dưới luật quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với các hành vi có liên quan. Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm hành vi “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho các hoạt động của các cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác". Tại Điều 9, Bộ luật này cũng quy định rõ “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẽ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc vu khống bị xử phạt với số tiền từ 10-20 triệu đồng. Gần đây nhất ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với mục đích xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam… Có thể nói, nếu Luật An ninh mạng và các văn bản luật khác có liên quan là quy định ở “thượng tầng” thì Bộ Quy tắc ứng xử có tác dụng rất tốt ở “hạ tầng”. Những quy định này không chỉ là “lá chắn” để phòng ngừa và đủ sức chống lại những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với phần “con người” đúng nghĩa, mà còn tạo ra sự bình đẳng cho số đông, bảo vệ chính những người sử dụng mạng xã hội lành mạnh.
Xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn cũng như răn đe các trường hợp có hành vi tương tự. Tuy nhiên bên cạnh những chế tài nghiêm minh, người dùng mạng xã hội nên tự trang bị kiến thức, kỹ năng sống trên không gian mạng nói chung mạng xã hội nói riêng; việc xây dựng văn hóa văn minh trong hành xử trên mạng xã hội là điều cần thiết, nhất là lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến ngày càng phức tạp. Đã đến lúc mỗi người cần cảnh tỉnh, thể hiện trách nhiệm của bản thân bằng chính những phát ngôn, thông tin mình đăng tải và điều đặc biệt mỗi người dùng mạng xã hội cần lưu ý là không tùy tiện chia sẽ những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, an ninh quốc gia; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc vu cáo, xuyên tạc tình hình làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, của xã hội và đất nước.
Tiểu Liên - tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét