Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

MỐI NGUY HẠI KHÔN LƯỜNG ĐẾN TỪ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” PHI PHÁP

Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim có nội dung xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Pháp Luật Việt Nam quy định rất cụ thể, Khoản 3 và Khoản 4, Điều 9 Luật Báo chí có nêu: Nghiêm cấm cung cấp những nội dung kích động chiến tranh, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc…; Khoản 4, Điều 11 Luật Điện ảnh quy định: Nghiêm cấm các nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc… Việc các sản phẩm bị cài cắm các vấn đề liên quan đến chủ quyền, tôn giáo, sắc tộc hoặc phân biệt chủng tộc là vi phạm quy định của pháp luật quốc tế và Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các sản phẩm này có thể bị thu giữ, tiêu hủy, cấm bán tại một hay nhiều quốc gia. Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện và các chế tài khác theo quy định của pháp luật.
Trong 02 năm liên tục, nhà phát hành phim Công ty TNHH CJ CGV vướng phải chỉ trích liên tục từ dư luận khi phát hành phim có chứa nội dung xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Năm 2018, bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ do hãng Bona Film Group Trung Quốc sản xuất khi công chiếu ở Việt Nam bị dư luận phản ứng gay gắt vì cho rằng phim này có cài cắm nội dung thông tin bất lợi cho chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong 36 giây cuối phim có hình ảnh trên một vùng biển rộng lớn, những chiến hạm của hải quân Trung Quốc bao vây một tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ cho là “South China Sea” dễ gây hiểu lầm về chủ quyền giữa các nước có liên quan trên Biển đông. Năm 2019, bộ phim hoạt hình Abomiable (Everest - Người tuyết bé nhỏ) của hãng DreamWorks - Mỹ hợp tác với Công ty Pearl - Trung Quốc sản xuất đã đột ngột rút khỏi các rạp chiếu tại Việt Nam chỉ sau 10 ngày công chiếu (từ ngày 04/10/2019) với nghi vấn nhà làm phim đã cài cắm “đường lưỡi bò” vào khuôn hình. Một số khán giả cho rằng hình ảnh trên tấm bản đồ của Yi (nhân vật trong phim) nơi đánh dấu các danh thắng nổi tiếng cô vẫn hằng mong một ngày sẽ được tới du lịch, có đường đứt đoạn giống như hình “đường lưỡi bò”. Điều này khiến Công ty phạt số tiền 170.000.000 đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm và rút toàn bộ thông tin phim trên các phương tiện truyền thông, ngừng chiếu phim trên toàn bộ hệ thống rạp gây tổn hại không ít về tài chính. Gần đây nhất ngày 25/6/2021, Cục phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” dài 6 tập do phát hiện bộ phim này có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Cụ thể hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển đông đã xuất hiện tại phút thứ 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 bộ phim. Trước đó, Công ty này đã bị yêu cầu gỡ 02 bộ phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - “Put Your Head On My Shoulder” (tháng 7/2020) và bộ phim “Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary” (tháng 8/2020) do có nội dung vi phạm tượng tự. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong 12 tháng, Công ty này bị phát hiện vi phạm khi cung cấp dịch vụ đến người sử dụng tại Việt Nam…
Không chỉ xuất hiện trong phim ảnh, một số sản phẩm xe ô tô xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”. Tại buổi triển lãm ô tô Việt Nam năm 2019 ở Trung tâm Hội chợ và Triễn lãm Sài Gòn, hãng xe ô tô Volkswagen trưng bày chiếc xe Volkswagen Touareg nhập khẩu có bản đồ “đường lưỡi bò” trong thiết bị vệ tinh GPS do Công ty TNHH ô tô Thế giới thuê từ đối tác của Trung Quốc. Với hành vi này, Công ty sẽ bị phạt số tiền 40-60 triệu đồng về hành vi nhập khẩu và đình chỉ hoạt động 6-9 tháng; về phía Công ty TNHH ô tô VW Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng về hành vi trưng bày và phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chiếc ô tô. Điều này đã gây tổn thất nghiêm trọng không chỉ tài sản mà còn uy tín, hoạt động của các doanh nghiệp ô tô Việt Nam. Ngoài phim ảnh, xe hơi, thiết bị điện tử, một số loại như sách, giáo trình, thiết bị đồ dùng dạy học, truyện tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc phát hành tại Việt Nam được cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp cũng bị thu giữ, tiêu hủy theo quy định.
Có thể thấy, những vụ việc trên có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm quy định pháp luật hiện hành nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các dấu hiệu vi phạm về “đường lưỡi bò” phát hiện gần đây cho thấy không phải là các hành vi do sơ ý mà có thể nó đã được lên kế hoạch từ trước và thực hiện rất lâu dài bằng những phương thức, thủ đoạn gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị... Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, phát triển nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, để ngăn chặn, xử lý kịp thời những sự việc tương tự thì cần có sự tương tác, phối hợp ở cả phía cơ quan Nhà nước và người dân cũng như các doanh nghiệp. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc để từ đó có những hành động và cách thức xử lý phù hợp.
“Đường lưỡi bò” phi pháp sẽ in sâu vào tâm trí của bất kỳ ai nếu chúng không được tác động, điều chỉnh. Rồi mai đây, thế hệ sau này sẽ tiếp nối cuộc đấu tranh nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý đó trong tương lai sẽ làm như thế nào khi hình “đường lưỡi bò” phi pháp in hằn và tồn tại như một lẽ hiển nhiên trong trí nhớ. Kinh doanh, làm nghệ thuật hay làm bất cứ điều gì đi nữa, tiền tuy quan trọng thật, nhưng không quan trọng bằng bản sắc, linh hồn, giá trị con người Việt Nam. Những người không biết, không nhớ những chân lý này sẽ không bao giờ phát triển được.
Lan Anh-Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét