Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

MỤC ĐÍCH BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang đã từng nói rằng “nếu bạn tham gia vào một cuộc ném bùn với mục đích giữ cho mình sạch thì bạn đã thua ngay từ đầu”. Không phải ngẫu nhiên mà tôi nhắc đến câu nói ấy, bỡi lẽ thời gian gần đây có quá nhiều câu chuyện livestream bốc phốt, vạch mặt, chửi bới, xúc phạm nhau thu hút hàng chục ngàn lượt like, xem, chia sẽ trên mạng xã hội. Nhưng tôi không mấy bận tâm về những chuyện này, quy luật xã hội cho thấy biểu lộ bức xúc không chứng minh ta vô can và xu hướng chứng minh đạo đức của mình bằng cách hạ thấp đạo đức của người khác đó là một quyết định sai lầm và điều tồi tệ hơn là chúng được lan truyền, chia sẽ rầm rộ trên mạng xã hội trong suốt thời gian qua. Đã bao giờ mạng xã hội đã trở thành một đống hỗn độn, bát nháo và “khó nuốt” đến như vậy?
Không thể phủ nhận, mạng xã hội ở Việt Nam trở thành một kênh thông tin được nhiều người quan tâm, ưa chuộng và dành nhiều thời gian để sử dụng. Nhờ mạng xã hội mà mọi người nắm bắt thông tin nhanh chóng, mọi người dễ kết nối, giao lưu với nhau, là kênh để học hỏi tri thức, khai thác thông tin, bày tỏ tình cảm, thư giản… Tuy nhiên thời gian qua không ít kẻ xấu, những phần tử cơ hội, thực dụng, phản động, có cả người dùng mạng xã hội thiếu hiểu biết vô tình vi phạm các hành vi như tung tin giả, giật gân, câu like, đăng tải những thông tin, hình ảnh, video nhảm nhí, thiếu chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục của người Việt. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch cũng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin sai sự thật, lừa bịp, xuyên tạc chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước; kích động người dân có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trực tiếp đe dọa đến sự phồn vinh của chế độ.
Năm 2002, Trung Quốc ban hành “Cam kết cộng đồng về nguyên tắc cơ bản trong ngành công nghiệp internet”. Năm 2016, Liên minh Châu Âu ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử chống lại những thông tin gây thù hận, nói xấu bất hợp pháp trên mạng”… Rõ ràng, bất cứ một quốc gia nào cũng thiết lập một hệ thống pháp luật điều chỉnh mọi hành động trên internet, mạng xã hội của các thành viên tham gia trên nền tảng xã hội của quốc gia đó. Việt Nam cũng không ngoại lệ, từ khi Luật An ninh mạng ra đời, nhiều người trông chờ vào một môi trường mạng trong sạch tại Việt Nam nhờ những chế tài được quy định. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa được thông qua. Do đó việc xử lý của các cơ quan thi hành pháp luật vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với mục đích: (1) tạo điều kiện phát triển mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; (2) xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Có thể nói, nếu Luật An ninh mạng và các văn bản luật khác có liên quan là quy định ở “thượng tầng” thì Bộ Quy tắc ứng xử có tác dụng rất tốt ở “hạ tầng.” Những quy tắc như: Quy tắc tôn trọng và tuân thủ pháp luật; Quy tắc lành mạnh; Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc trách nhiệm, hay những quy định nhằm định danh chính xác được người dùng mạng… không chỉ là “lá chắn” để phòng ngừa và đủ sức chống lại những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với phần “con người” đúng nghĩa, mà còn tạo ra sự bình đẳng cho số đông, bảo vệ chính những người sử dụng mạng xã hội lành mạnh.
Tuy nhiên, đi ngược lại lợi ích của đại đa số, ở một số diễn đàn, các đối tượng phản động, phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc với nhiều bài viết cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành đạo luật vi phạm nhân quyền, ép buộc người dân phải tuân thủ những quy tắc vi phạm quyền tự do ngôn luận chính đáng của Nhân dân theo chủ ý của Bộ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Từ đó, chúng kích động người dân phản đối, yêu cầu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông hủy bỏ quy định trên, trao trả quyền tự do ngôn luận, báo chí cho Nhân dân. Còn nhớ thời điểm ban hành Luật An ninh mạng, bọn chúng cũng từng có những động thái tương tự, phải chăng đây là những chiêu trò “bình cũ rượu mới” nhằm kích động lòng dân chống đối lại những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc bởi tâm lý chung của các thế lực thù địch là khi Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hay Luật An ninh mạng có hiệu lực đồng nghĩa với những hành vi phát ngôn xuyên tạc, bịa đặt của chúng trên không gian mạng sẽ bị pháp luật nghiêm trị theo quy định.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành, giờ là lúc chúng ta cần có những hành động cụ thể, không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, của báo chí và truyền thông mà hơn hết là sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội hiện thực và trên mạng xã hội. Việc ứng xử không văn minh hôm nay sẽ đưa đến những tình thế khó xử hoặc phải nhận hậu quả khó lường sau này. Hãy chung tay vì một môi trường mạng xã hội văn minh, vì hình ảnh một đất nước Việt Nam văn minh trước bạn bè quốc tế.
Minh Anh - tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét