Trong thời gian gần đây, cộng đồng mạng lại được một phen xôn xao xoay quanh câu chuyện “vạch mặt” của một nữ doanh nhân đối với một số nghệ sỹ trong showbit Việt. Câu chuyện được bắt nguồn từ việc nữ doanh nhân “vặt mặt” một nghệ sỹ hài “đình đám” sau khi người này kêu gọi các nhà hảo tâm, cộng đồng mạng quyên góp tiền để cứu trợ, giúp đỡ đồng bào miền Trung trong đợt lũ vào tháng 8/2020. Theo nữ doanh nhân, nghệ sỹ hài đã quyên góp được số tiền trên 13 tỷ đồng, tuy nhiên đến tháng 5/2021 vẫn chưa thực hiện việc cứu trợ như lời hứa ban đầu. Từ những gì nữ doanh nhân vạch ra, cộng đồng mạng đã một phen hú vía khi xác định được nội dung “vạch mặt” là có thật!
Câu chuyện quyên góp từ thiện đã có từ rất lâu, bởi lẽ, dân tộc Việt Nam xưa nay luôn có truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong những lúc con người gặp khó khăn, đúng như ý nghĩa câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”. Những hoạt động thiện nguyện thuần túy của các cá nhân đã góp phần giúp cho xã hội được tốt đẹp hơn, những người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ đúng lúc, cuộc sống mưu sinh, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền của những người nghèo khổ đã bớt đi được phần nào cơ cực, những bệnh nhân nguy kịch đứng trước “cửa tử” được cứu chữa kịp thời,…. Hoạt động thiện nguyện đó giúp cho những người tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt của cuộc đời tìm lại được ánh sáng khi cánh cửa “từ thiện” được mở ra. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy, trong thời gian gần đây hoạt động thiện nguyện nói chung và hoạt động thiện nguyện của các cá nhân trên mạng xã hội nói riêng đã xuất hiện nhiều mặt trái tiêu cực.
Hoạt động từ thiện ban đầu có thể là thuần túy nhưng sẽ rất dễ bị chệch hướng nếu không có sự công khai, minh bạch và không có một cơ chế, cũng như sự kiểm tra, giám sát của một cơ quan, tổ chức trung gian. Một cá nhân ban đầu khi đưa ra lời kêu gọi có thể là thuần túy, tuy nhiên, sau khi nhận được sự quyên góp từ các mạnh thường quân, nắm trong tay một số tiền lớn thì sự thuần túy ban đầu liệu rằng có được giữ nguyên vẹn hay không? Bởi lẽ, con người rất dễ dẫn đến các sai lầm khi một mình đứng trước các lợi ích.
Chưa bao giờ hoạt động từ thiện lại diễn ra một các dễ dàng như hiện nay, chỉ cần đăng một bài viết hay chia sẻ một câu chuyện trên mạng xã hội là có thể kêu gọi được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp. Có một thực tế chúng ta cần phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, ngoài những cá nhân hoạt động từ thiện thuần túy, vẫn còn một bộ phận sử dụng “từ thiện” như một công cụ để trục lợi cá nhân. Họ đánh thẳng vào lòng thương cảm của con người giành cho con người, đánh thẳng vào sự cảm thông của mọi người đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đánh thẳng vào sự cả tin của một bộ phận lớn người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.
Trước hết, các đối tượng lập ra một số trang fanpage, group, blog với các tên gọi “hay”, “ý nghĩa” để thu hút được đông đảo người dùng mạng xã hội chú ý, tương tác. Sau khi đã thành công trong việc xây dựng “hình ảnh” số đối tượng này sẽ tự tạo dựng những câu chuyện không có thật hoặc lợi dụng các sự việc có thật, con người có thật để trực tiếp đăng tải, chia sẻ các bài viết, video từ các phương tiện thông tin đại chúng về hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, tai nạn hay những câu chuyện dễ lấy đi sự thương cảm, để kêu gọi người dùng mạng xã hội chung tay cùng nhau giúp đỡ, cưu mang những nạn nhân, những con người khốn khổ, tạo điều kiện để họ vượt qua “đại nạn”. Với lòng yêu thương con người nhưng lại cả tin trước sự việc, người dùng mạng xã hội đã quyên góp tiền theo ý đồ của các đối tượng. Phần lớn mỗi người chỉ đóng góp số tiền vài trăm nghìn đồng, với tâm lý “của ít, lòng nhiều”… Số tiền ấy tưởng chừng là ít thế nhưng khi có nhiều người cùng cả tin thì con số đó thật không thể tưởng tượng được, đó là một triệu, một chục triệu hay một trăm triệu? Sẽ rất khó để chúng ta biết được rằng thực tế con số đó là bao nhiêu nếu như không có sự công khai, minh bạch. Và nếu hành vi của các đối tượng bị bại lộ, các nhà hảo tâm cũng chỉ thể hiện sự tức giận thông qua những dòng tin nhắn, đăng bài chia sẻ sự việc,… hay lớn hơn sẽ tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc xử lý chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì rất khó xác định số lượng nạn nhân, môi trường xảy ra sự việc lại là trên một “thế giới ảo” – mạng xã hội.
Thực tế, trong thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ việc như thế đã xảy ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an cả nước liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng quản trị các trang fanpage trên facebook với thủ đoạn như trên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm Bồ tát”,…..
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, các đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan cấp có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Sẽ không khó để chúng ta – những con người có trái tim ấm áp, những con người biết hy sinh và biết yêu thương người khác, có thể nhận ra được rằng: Đâu là đúng đâu là sai! Hãy thông minh để gửi gấm tình yêu thương một cách đúng người, đúng chỗ. Ngoài một trái tim ấm, thiết nghĩ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trên mạng xã hội cần có một cái đầu lạnh để suy xét được rằng: Từ thiện như thế nào là đúng!
Quang Đại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét