Mới đây, IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, tức giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó nhưng con số này không ảnh hưởng gì đến mức xếp hạng mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á. Bên cạnh đó, tổ chức Moody’s (Tổ chức đánh giá tín dụng) nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng như nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế. Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Cũng theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), 45% các nhà đầu tư và kinh doanh châu Âu tại Việt Nam được khảo sát cho biết rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Việt Nam, 76% kỳ vọng rằng sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III. Môi trường kinh doanh thuận lợi, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á.
Trở lại với bức tranh kinh tế qua sự đánh giá, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 8 tháng năm 2022 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua); tổng thu ngân sách Nhà nước bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi ngân sách Nhà nước ước bằng 53,6% dự toán năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa; phân cấp nhiều hơn và xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính. Những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được đánh giá là giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững để doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Với sự đánh giá của năng lực kinh tế của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Văn kiện Đại hội XIII đặt ra; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, mạng lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư./.
N.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét