Trong thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỉ đồng. Công an nhiều đơn vị, địa phương đã phát đi cảnh báo cho người dân về các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng sau khi có nhiều trường hợp "sập bẫy" chỉ trong thời gian ngắn.
Theo đó, các đối tượng mạo danh nhân viên của: Shopee, Lazada, Tiki... lôi kéo tham gia cộng tác viên bán hàng online với “hoa hồng” từ 10 - 50% hoặc thu nhập từ 200 - 700.000 đồng/ngày, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà, có sử dụng thẻ ATM, điện thoại, laptop... rồi yêu cầu nhấn vào đường link tham gia bằng cách để lại số điện thoại.
Ngay lập tức, có người liên hệ lại và kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cách thức thực hiện. Đầu tiên, bị hại sẽ được hướng dẫn đặt đơn hàng có giá trị nhỏ bằng cách chuyển tiền mua sản phẩm vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định và chụp hình chuyển tiền gửi lại cho đối tượng để xác thực. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người bị hại được thanh toán lại tiền mua hàng kèm tiền hoa hồng như đã hứa để tạo lòng tin.
Tuy nhiên, khi người bị hại nộp số tiền lớn để đặt mua hàng, lúc này các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu mua thêm hàng. Nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền mua sản phẩm ban đầu nên cứ làm theo và bị chiếm đoạt tiền nhiều lần.
Cũng với chiêu trò tương tự, đối tượng lợi dụng nhu cầu tìm việc làm tại nhà, lương cao, giả danh trưởng phòng hoặc nhân viên nhân sự của một số Công ty đang có nhu cầu tuyển nhân viên làm việc tại nhà. Sau đó dùng nhiều thủ đoạn yêu cầu người bị hại chuyển tiền đầu tư theo nhiệm vụ, tiền càng nhiều, lợi nhuận càng cao.
Ban đầu khi tiền đầu tư còn ít, đối tượng chuyển trả tiền gốc và tiền hoa hồng theo đúng cam kết để tạo lòng tin.Sau đó, khi số tiền chuyển ngày càng nhiều, đối tượng thông báo nhiệm vụ đầu tư thất bại do người bị hại thao tác sai trên hệ thống, yêu cầu tiếp tục chuyển tiền để được nhận lại tiền gốc lẫn tiền hoa hồng, từ đó đối tượng tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
Ngoài ra, đối tượng còn giả danh công ty bảo hiểm gọi điện thoại thông báo bị hại đã làm giả hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Hoặc giả danh công an, viện kiểm sát... để đe dọa người bị hại có liên quan trong vụ án lớn (buôn bán ma tuý, rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia, gây tai nạn giao thông...), thông báo bị hại đã có lệnh bắt giam để yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn tuyển nhân viên, cộng tác viên làm việc online, phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo trên nhằm tránh bị chiếm đoạt tài sản; đồng thời không chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng lạ, không vay tiền qua các trang web, ứng dụng điện thoại không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án… chỉ gặp gỡ, làm việc với người dân thông qua công an cơ sở và không làm việc, gửi lệnh bắt, giam giữ qua điện thoại, mạng xã hội.
T.M.K
0 nhận xét:
Đăng nhận xét