Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Sự cần thiết và giải pháp của bảo vệ an toàn, an ninh thông tin mạng trong giai đoạn hiện nay

Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động ngày càng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước và tâm lý, nhận thức của người dân. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến cuối năm 2021, có khoảng 4,9 tỷ người sử dụng Internet đang hoạt động trên toàn thế giới (63% dân số thế giới, tăng 17% so với năm 2019); ước tính sẽ có 28,5 tỷ thiết bị sẽ kết nối với Internet năm 2022, tăng 158% so với năm 2017. Mỗi ngày đều có nhiều ứng dụng và dịch vụ mới ra đời. Các tiến bộ về khoa học công nghệ tiếp tục cách mạng hóa cuộc sống của con người theo hướng tiện ích, hiện đại hơn. Đặc biệt, thế giới đang đứng trước những thay đổi quan trọng trên không gian mạng, trong đó có sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây (cloud computing) và 5G, sự gia tăng các rủi ro vật lý mạng trong Internet vạn vật (IoT), sự phổ biến của kết nối kỹ thuật số sau đại dịch và gia tăng căng thẳng trên không gian mạng.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia vừa có thêm những cơ hội lớn nhưng, như đã được chứng minh trong thời gian vừa qua, vừa phải đối mặt, ứng phó với nhiều rủi ro, thách thức lớn trên mọi lĩnh vực; đặc biệt là ứng phó với tội phạm trên không gian mạng và các cuộc tấn công mạng được tiến hành từ lãnh thổ của các quốc gia khác. Đồng thời các nguy cơ nghiêm trọng đối với an toàn, an ninh thông tin cá nhân và quyền tự do cá nhân. Hiện nay, các quốc gia quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh mạng là dễ hiểu do thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc vào không gian mạng.
Việt Nam chúng ta hiện nay nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao trên thế giới. Kể từ khi Internet vào Việt Nam năm 1997 đến nay, hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 68% dân số), cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%). Hiện nay, Việt Nam có khoảng 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook và 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Theo tổ chức We are Social (chúng tôi là mạng xã hội), mỗi người dân Việt Nam dành trung bình khoảng 6 giờ 24 phút mỗi ngày để truy cập Internet, trong đó, dành khoảng 2,5 giờ để vào mạng xã hội. Tỷ lệ người dân lên mạng Internet hàng ngày là 94%.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, như Nghị quyết số 29 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị…Kết quả của sự cụ thể hoá đó, đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp về công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sự cố, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hệ thống mạng, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng; phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc lộ, mất bí mật nhà nước trên không gian mạng; xác minh, xử lý hàng trăm hệ thống thông tin trong nước bị tin tặc tấn công. Thường trực giám sát 24/7 đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, phân tích hàng chục triệu cảnh báo tấn công mạng.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện vai trò tích cực, sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững. Điều này xuất phát từ nhu cầu quốc gia và chủ trương tăng cường và nâng tầm ngoại giao đa phương, cụ thể là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng cũng đối diện những khó khăn, thách thức như: Hành lang pháp lý bảo đảm an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia chưa hoàn thiện; công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức; nhận thức của người dân về an ninh mạng còn rất hạn chế, tầm quan trọng của an ninh mạng đối với kinh doanh, tài chính và an ninh quốc gia chưa được đánh giá đúng…
Với những nguy cơ và thách thức đang hiện hữu đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống tội phạm mạng. Để chủ động ứng phó các thách thức này, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng chúng ta cần chú trọng một số mặt công tác: Tập trung tham mưu hoàn hiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng đủ phẩm chất, năng lực, gắn với việc triển khai Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đầu tư, xây dựng, nâng cao tiềm lực và đầu tư, trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại, theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an ninh mạng./.
N.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét