Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta là một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ. Ban đầu là đưa ra những thông tin sai trái nhằm phủ nhận thành quả, bôi nhọ bức tranh dân chủ, nhân quyền hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, sau là tiến hành lôi kéo, tập hợp lực lượng, móc nối trong ngoài tiến hành các hoạt động biểu tình, gây sức ép đối với chính phủ Việt Nam đòi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” và đưa ra các yêu sách can thiệp sâu vào công việc nội bộ Việt Nam nhằm mục đích chuyển hóa chế độ chính trị Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Một trong những tổ chức được điểm mặt, gọi tên thường xuyên lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam trong thời gian gần đây là tổ chức HRW (Human Rights Watch). Tổ chức được thành lập năm 1988 trên cơ sở hợp nhất tổ chức Helsinki Watch (do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 với mục đích giám sát Liên Xô bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc Liên Xô thực hiện quy ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), hỗ trợ các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này) với một số tổ chức quốc tế khác có cùng tôn chỉ, mục đích nghiên cứu và cổ vũ cho phát triển nhân quyền. Nói là chuyên nghiên cứu và cổ vũ cho nhân quyền nhưng nhìn vào những hoạt động của HRW cho thấy, lời nói không đi đôi với việc làm, ngày càng xa rời, thậm chí đi ngược tôn chỉ, mục đích.
Trước thềm đối thoại nhân quyền Liện hiệp Châu Âu - Việt Nam tại Hà Nội, ngày 26/5/2023, tổ chức HRW đã gửi đến Liên hiệp Châu Âu tờ trình về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, yêu cầu EU gây sức ép để chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị. Không dừng lại đó, HRW còn lên tiếng đòi sửa đổi hoặc hủy bỏ một số điều khoản trong Bộ Luật hình sự mà họ cho rằng “thường được viện dẫn để đàn áp các quyền dân sự và chính trị, hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền.
Không riêng gì Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, HRW cũng đưa ra những cáo buộc sai sự thật mang màu sắc chính trị gây ra những phản ứng tiêu cực đặc biệt với các nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Liên bang Nga đã nhiều lần chỉ trích HRW về những động thái tuyên truyền xuyên tạc, kích động tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước này. Tương tự, do có những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc nên chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với HRW. Và không phải ngẫu nhiên mà trang web của HRW lại bị cấm hoạt động tại Thái Lan. Chính phủ nước này buộc phải cấm là vì thông qua trang web, HRW thường xuyên đội lốt “theo dõi nhân quyền” để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát những nội dung thông tin sai lệch, kích động, vi phạm các quy định về an ninh quốc gia của họ. Ngoài ra, HRW còn bị nhiều quốc gia như Cuba, Sri Lanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... chỉ trích, phản đối những nội dung và mức độ khác nhau vì HRW đã can thiệp làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho việc bảo đảm nhân quyền ở các nước này.
Thực tế cho thấy, một tổ chức không hiện diện ở Việt Nam, không nắm được tình hình thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam song lại tự cho mình quyền phán xét về nhân quyền. Đây rõ ràng là một sự đánh giá sai lệnh về bản chất. Để đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách khách quan cần phải dựa trên các thông tin và dữ liệu có nguồn gốc đáng tin cậy thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này tại Việt Nam và dựa trên những tiêu chí rõ ràng, minh bạch và được công nhận chính thức, những thông tin trong báo cáo cần phải được thẩm định và đưa ra đánh giá trước khi được công bố. Hiện nay chưa có một tiêu chí cụ thể, rõ ràng nào để đánh giá về tình hình nhân quyền ở mọi quốc gia. Trong khi đó, HRW lại tùy ý đưa ra những quan điểm và bằng các nguồn không chính thống nên việc đánh giá mỗi nơi một kiểu và phụ thuộc chính quan điểm, động cơ của cơ quan, tổ chức đưa ra báo cáo. Mặc khác, chưa kể đến việc bị chi phối về nguồn kinh phí hoạt động nên dễ hiểu là các phúc trình về nhân quyền của HRW thường sai sự thật, thiên vị, lộ rõ ý đồ bôi nhọ, hạ uy tín hình ảnh Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngay khi Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Công ước quốc tế về các quyền con người của Liên hợp quốc. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, việt Nam không hề thua kém về số lượng là thành viên các Công ước quốc tế về quyền con người. Hầu hết các công ước mà Việt Nam là thành viên để cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước và trở thành quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Về mặt pháp lý, Điều 3, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trên cơ sở Hiến pháp, các quy định về quyền con người tiếp tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Điều này được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việt Nam đã đưa ra nhiều đạo luật mới nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016… Các luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền cơ bản cho công dân, bảo vệ tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền riêng tư.
Một trong những thành tựu về nhân quyền có thể kể đến nữa là vào ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử và trở thành thành viên của Hội động Nhân quyền Liện hiệp quốc. Đây là minh chứng rõ ràng nhất và khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam đối với quốc tế trong đảm bảo quyền con người trong nước và quốc tế. Một tín hiệu đáng mừng nữa là chỉ số phát triển giới Việt Nam tăng 02 bậc, xếp thứ 65/162 quốc gia. Riêng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc (từ vị trí 77 năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023 ) theo đánh giá của mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hiệp quốc qua đánh giá của người dân tại 150 quốc gia về các tiêu chí GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy được tình hình nhân quyền tại Việt Nam không hề xấu như những gì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá và lẽ ra, những thông số tích cực đó cần được đưa vào báo cáo nhân quyền.
Những số liệu trên là thực tiễn sinh động về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, dù HRW hay một số tổ chức nào khác đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận, bôi nhọ, xuyên tạc thành quả về nhân quyền mà việt Nam đã xây dựng trong thời gian qua.
An Tây - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét